Sunday

←Những Thành Phần Phản Tỉnh


 


Nói về những người “phản tỉnh” sau nhiều năm phục vụ chân thành cho một lý tưởng, họ xa rời Đảng Cộng Sản Việt Nam một cách nào đó để đến xin tị nạn chính trị và định cư tại Pháp, tại Nga…Trong số đó phải kể: Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hữu Quýnh, Trần Đức Thảo, v.v..

Có câu rằng: Nếu bạn ở vào tuổi 20 (20-30) mà không phải là người cộng sản thì bạn không có trái tim. Nếu bạn ở vào tuổi 30 (30-40) mà bạn không phải là người thực hiện đường lối tư bản thì bạn không có đầu óc.


Như vậy câu nói trên ám chỉ rằng tuổi trẻ 20s là lứa tuổi nhìn đời chưa sâu sắc, còn non kém nên sức hấp dẫn lãng mạn của chủ nghĩa cộng sản lôi cuốn họ một cách tự nhiên. Điểm lôi cuốn hấp dẫn đó có phải là sự san bằng xã hội, mọi người đều có mức sống ngang nhau, không phân biệt trình độ cao thấp, nếp sống duy vật, không có Thần Thánh, không có Thượng Đế. Một cách khác, chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống xã hội và hệ tư tưởng kinh tế nhằm mục đích tạo ra một xã hội không giai cấp, nơi chính phủ kiểm soát mọi tài sản và của cải, và mọi người đều chia xẻ lợi ích của lao động. Trong một xã hội cộng sản, các cá nhân không sở hữu đất đai, nhà máy hoặc máy móc, và mọi người được kỳ vọng sẽ được chia của cải mà họ tạo ra. Chính phủ sẽ sở hữu mọi thứ cần thiết để sản xuất và vận chuyển sản phẩm, và mọi người sẽ làm việc theo khả năng của mình và nhận được theo nhu cầu của mình.

Muốn đạt đến xã hội đó thì phải trải qua quá trình bạo lực, giết người, khủng bố … bởi chủ nghĩa cộng sản muốn được áp dụng tại một quốc gia mà người dân chưa hề có ý niệm về chủ nghĩa xa lạ này. Vậy có phải đạp đổ tất cả những cái cũ và đang có để đạt đến một xã hội do nhà nước cộng sản thiết lập. Ở đây giải nghĩa theo chữ “sẽ” tức là chưa hề xảy ra trong quá khứ mà chỉ là hy vọng của người dân trong tương lai, còn nhà nước thì không phải là “sẽ” mà “đã và đang” có những thứ mà họ mong muốn, từ quyền lực đến vật chất.

Khi không thể thực hiện những gì đề ra thì Đảng phải chuệch hướng để sống còn bằng “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Như vậy tại sao không sửa luôn các từ “chủ nghĩa cộng sản” hay thay đổi búa liềm bằng một biểu tượng khác?

Trái tim của thế hệ trẻ này không biết rung động sao trước những hiện tượng không còn nhân tính? Phải đợi đến hơn 30 tuổi mới dùng lý trí và nhận ra thứ chủ nghĩa vô thần, không thể áp dụng trên thế giới loài người. Như tuyên bố trên, nếu ai ở lứa tuổi này mà còn theo phục vụ chủ nghĩa cộng sản thì người này không có đầu óc, tức u tối ngu si.

Thực tế thì có những người cộng sản phục vụ cho chế độ đến tuổi xế chiều vẫn phải mồm mép hô la tuyên truyền cho chủ nghĩa. Có thể nói họ thể hiện sự “trung thành” để được sống yên thân chứ thâm tâm họ thì lại khác. Họ sỡ hãi! Họ xuất thân từ một chế độ bạo lực và kinh nghiệm dạn dày với những màn sát hại tinh vi đối với những ai không cùng chính kiến.

Những đảng viên tầm vóc khác thì can đảm hơn tí, họ chọn con đường ly khai Đảng tùy theo hoàn cảnh mỗi người, tựu chung là phải bí mật đến khi đến miền đất tự do hoặc dễ thở hơn thì họ mới công khai.

Ông Nguyễn Minh Cần thời gian ở Liên Sô học Trường Đảng cao cấp đã thu thập những cái “mới” trong sinh hoạt Đảng tại xã hội này. Năm 1964, ông đã thoát lý Đảng và xin cư trú chính trị tại Nga.

Ông Hoàng Hữu Quýnh thì có một quá khứ đã từng ngụp lặn đi tìm cái đích của chủ nghĩa cộng sản, và cuối cùng nhận ra là thứ gì đó có tính không tưởng. Ông cho rằng những lãnh đạo cộng sản đem những thứ “ngu ngơ khờ khạo” ấy vào chính sách, vào chủ trương. Ông cũng đã tìm cách qua Nga xin cư trú, viết sách “Tôi Bỏ Đảng” năm 1989.

Ông Bùi Tín cũng đã xin tị nạn chính trị tại Pháp. Năm 1991, ông bắt đầu viết cuốn “Hoa Xuyên Tuyết” và sau đó nhiều cuốn nữa đã được nhiều người Việt tị nạn cộng sản chú ý, tuy có những điểm ông “tự hào” mà người ta cho rằng ông chưa gội rữa hẳn. Về nhân vật Hồ Chí Minh thì ông phải mất nhiều năm nghiên cứu mới thấy ra hết sự thật. Đến 6/2012, ông qua Mỹ, tại thành phố San Jose, những phát biểu của Bùi Tín làm sáng tỏ cội nguồn tại sao có cuộc chiến tranh Việt Nam: Nếu Hồ Chí Minh không theo quốc tế 3 của cộng sản thì phương Tây không cần cuộc chiến tranh để dẹp chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương.

“Những Lời Trăng Trối” (2014) của tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê viết về Trần Đức Thảo, một nhân vật được xem là triết gia (Marx Hegel). Có mặt ngay tại nước Pháp mà ộng Thảo vẫn còn bị người của sứ quán quản lý. Nỗi lo sợ lúc nào cũng có người ta theo dõi, ông chào một người nào đó là “đồng chí” khi người ấy không phải đảng viên, rồi sau đó ông phân bua là cứ tưởng ông ta là người của sứ quán. Tại Pháp ông Thảo mới dám đập bàn thổ lộ, ông bị trù dập cấm không cho thuyết trình chỉ vì một lý do: Chỉ tại tôi muốn nói ra là chính Marx sai!

Có nhiều cái sai của chủ nghĩa cộng sản. Đến nhiều năm sau, ông Thảo mới nhận ra cái sai căn bản là chủ nghĩa này phủ nhận tính thiên nhiên tạo hóa ban cho con người. Mỗi người một trình độ, một khả năng khác nhau, không thể gán ghép giống nhau rồi được ban quyền lợi ngang nhau. Và trên thực tế thì nó lại giống như một thứ chủ nghĩa không thể thực hiện, từ đó tạo nên một chế độ quân chủ hiện đại hay một thứ tư bản đỏ dựa trên luật pháp với mục đích bảo vệ cho chính những thành phần đảng viên có quyền lực. Cuối cùng thì người ta cũng rất tiếc cho cái “lãng mạn” của tuổi 20 của ông kéo quá dài, và sự bừng tỉnh ở giai đoạn vô cùng cần thiết – nếu không đưa ra ánh sáng tội lỗi của Marx thì không bao giờ thoát ra được tình trạng bế tắt chính trị độc hại như hiện nay ở đất nước ta!

Ngoài ra, còn nhiều nhân vật khác là đảng viên, nhà văn, nhà báo… khi có cơ hội thoát khỏi vòng kìm kẹp, họ cũng đã tỏ bày những gì thật nhất trong xã hội cộng sản mà họ đã trải qua.

Sau ngày cái nôi cộng sản Liên Sô sụp đổ thì tại Việt Nam đổi hướng tuyên truyền để củng cố chế độ. Họ tẩy não những thế hệ thiếu kiến thức về cuộc chiến tranh Việt Nam bằng chủ nghĩa cộng sản và xã hội chủ nghĩa, cộng thêm một sáng chế mới là “tư tưởng Hồ Chí Minh”, lãnh tụ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, một thành viên của Đảng Cộng Sản Quốc Tế, đã theo chỉ thị của đàn anh làm ra cuộc chiến tranh tương tàn giết chính đồng bào mình để phục vụ quyền lợi quốc tế. Những thế hệ phải bị nhồi nhét ý thức mâu thuẫn, bắt phải tin chủ nghĩa cộng sản, bắt phải tin Hồ Chí Minh là người yêu nước, “giải phóng dân tộc”, ăn mày một quá khứ phản quốc, hô hào “đánh thắng đế quốc” rồi đồng thời các đảng viên cao cấp cứ mãi đi xin ăn ở các quốc gia tự do dân chủ có nền kinh tế thị trường.

Dù không đạt được hoàn toàn nguyện ước nói về cái sai lầm của chủ nghĩa Marx, nhưng Trần Đức Thảo cũng đã được tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê ghị lại thành sách những lời của ông được ghi âm trước khi ông qua đời. Cái chết nhanh của ông Thảo mà ông Nguyễn Minh Cần cho rằng “một cái chết với nhiều nghi vấn.”

Những nhận xét của Trần Đức Thảo về Hồ Chí Minh rất chính xác và đáng được ghi nhận: “Hồ Chí Minh là một con người cực kỳ vị kỷ, bất chấp chuẩn mực của lương tri, của đạo lý, môt Tào Tháo muôn mặt của muôn đời, một con khủng long ba đầu chín đuôi”.

Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt nhiều năm lãnh đạo Đảng với chức Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trong đã từng tuyên bố như trên.

Ông Trọng còn viết: Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hoá, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Những lý luận đầy mâu thuẫn phản ảnh trung thực về nếp sống và sinh hoạt trong xã hội Việt Nam trong thời Đảng cai trị. Nói sao cũng được, người dân cũng đã chán ngán không cần quan tâm.

Năm 2013, khi bàn về “dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992”, Nguyễn Phú Trọng đã có phát biểu:

Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.

Đó là năm 2013. Vậy đến hết thế kỷ, tức là còn 87 năm nữa, ông Trọng đoán là cũng chưa chắc có Chủ Nghĩa Xã Hội tại Việt Nam. Ông lấp liếm ở hai chữ “hoàn thiện”, bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ mượn danh Đảng, mượn danh “chủ nghĩa xã hội” để có cớ cai trị dân, trên thực tế thì chẳng có chủ nghĩa gì cả mà là một đám người lường gạt dân, dân gọi là “mafia đỏ”, lý luận đầu gà đuôi vịt cho qua ngày. Cái đại ác của đám người này là chính họ hiểu hơn ai hết về sai lầm, về sự không tưởng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng vẫn phải nhồi nhét sự lừa dối vào đầu dân chúng, nhất là những thế hệ sinh ra đời thời cộng sản cai trị.

Cái đại ác của người cộng sản cũng đã làm một trí thức như Trần Đức Thảo khiếp sợ. Gặp một người Việt Nam nào đó tại buổi họp mà cứ tưởng là người của “sứ quán”, ông chào bằng hai chữ “đồng chí,” vì ông biết “người ta” đang theo dõi ông khi có tư tưởng không cùng lề.

Dù sao Trần Đức Thảo cũng đã để lại âm vang qua lời nói được thu âm và viết ra sách:

Nếu không khui ra những những sai trái lịch sử của “ông cụ,” không dám đưa ra ánh sáng tội lỗi của Marx thì không bao giờ thoát ra được tình trạng bế tắc chính trị độc hại như hiện nay ở nước ta.

Bút Sử

Souces: Những Lới Trăng Trối, Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, 2014; Tôi Bỏ Đảng, Hoàng Hữu Quýnh, 2002; Hoa Xuyên Tuyết, Thành Tín

No comments:

Post a Comment