Thursday

Việt Nam Cộng Hòa trong lòng Tuổi Trẻ

Một khoảng thời gian trong năm 2016, năm bản nhạc lính thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 bị cấm hát. Những bài nhạc đó gồm: Con Đường Xưa Em Đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương), Đừng Gọi Anh Bằng Chú (Anh Thy) , Cánh Thiệp Đầu Xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng Xưa (Lam Phương), Chuyện Buồn Ngày Xuân (Lam Phương).


Tại sao? Bởi Đảng vẫn theo lệ cũ xưa nay như  Hồ Chí Minh (HCM) từng dạy cán bộ, đảng viên rằng: Văn hóa, nghệ thuật cũng như  mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.(Văn Hồ Chủ Tịch, Tác Phẩm Chọn Lọc, 1973, trang 233)

Nhưng đã hơn 42 năm kể từ ngày cộng sản cầm quyền nước Việt Nam, họ vẫn còn ám ảnh một  ngày họ bị lật đổ. Họ sợ đến nỗi một bài hát có vài ba chữ “áo vàng, chú lính” rồi cả một “cục” phải ra lệnh cấm hát. Thế mới thấy ra cái nhà nước này lấy tiền thuế của dân để chi vào “chuyện lo sợ.”
Bản nhạc “Con Đường Xưa Em Đi”  phải chăng gợi lên hình ảnh chàng lính miền Nam phải ra chiến trường giết quân thù để bảo vệ vùng đất tự do, mà cuộc chiến đó do chính HCM gây ra theo lệnh quốc tế cộng sản làm tan nát cả đất nước và dân tộc. Bao nhiêu gia đình phải ly  tán, người chồng phải chiến đấu ngoài mặt trận, phải đối diện với tử thần từng giây từng phút.

Người lính đó không háo chiến háo thắng. Anh chỉ là một con người bình thường, thích cuộc sống bình yên, gia đình hạnh phúc…Nhạc sĩ đã thi vị hóa đời lính phong sương để chàng trai quên đi nỗi gian khổ, mơ một ngày chiến thắng để trở về với mái ấm gia đình. Chiến thắng ở đây là đẩy lùi làn sóng xâm lăng của Bắc Việt. Miền Nam chọn chính thể tự do dân chủ thì xin để người dân được yên ổn, còn miền Bắc đã lỡ bị tập đoàn HCM tròng trên đầu cái chủ nghĩa vô thần độc tài toàn trị thì người dân phải tìm cách gỡ khi có điều kiện. Vấn đề ở đây là chủ trương tuyên truyền nhồi sọ quá tinh vi, và cho đến ngày nay rất nhiều người còn là nạn nhân.

Có phải những  bài hát trên bị cấm hát vì không phục vụ, không ” ở trong kinh tế và chính trị” mà lại có kết quả ngược lại là giới trẻ yêu thích vì tính nhân bản tự nhiện, hợp với lòng người.

Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về 
Chiến trường anh bước đi 
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe… Hỏi còn ai cố tri ?

Anh Thy là tác giả của “Đừng Gọi Anh Bằng Chú”, trước 1975 cũng là một quân nhân trong binh chủng hải quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ѕao gọi anh chú lính cho anh thấу không vui 
Ɓao lần anh đã bảo anh chỉ уêu áo vàng 
Thì em hỡi đừng quên 

Chắc là hai chữ “áo vàng” đã làm mấy lãnh đạo trong “Cục nghệ thuật biểu diễn” bị “nhạy cảm” hay “khó chịu”. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có câu rằng “Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù” lột tả rõ bản chất đê hèn, loại người xấu xa nên luôn nươm nướp lo sợ.

Nhạc sĩ Lam Phương gợi lên hình ảnh loạn lạc khi người người bỏ tất cả để chạy vượt biên tìm mảnh đất tự do nương tựa. Tâm sự của người vợ trẻ trong “Chuyện Buồn Ngày Xuân”  thông cảm cho chồng trong hoàn cảnh phải rời bỏ quê hương khi Việt Cộng cai trị. Trên thực tế thì câu chuyện trong bản nhạc có thể đem đến hậu quả tốt vì nếu còn ở lại Việt Nam thì ông ta bị tù nhiều năm (sĩ quan trong QLVNCH), ngay  cả bị mất tánh mạng. Bản nhạc này bị cấm hát chắc có lẽ mấy ông lo ngại người nghe hình dung ra hình ảnh vượt biên khủng khiếp, thà chết trên biển đông chớ không muốn sống với cộng sản.  Việt Cộng đi tới đâu dân bỏ chạy tới đó.

“Rừng xưa” cũng của Lam Phương, sáng tác trước 1975.

Người về đâu hỡi người về đâu? 
Đây ước mơ của miền Nam mến yêu 
Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình 
tìm hạnh phúc ngày qua

Lời bài ca nói về người chồng miền Nam đi tập kết vì lầm lẫn nghe theo cộng sản, người vợ mong mỏi chồng quay về hồi chánh, cũng tương tự nội dung bài “Về Đây Anh” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ngay cả cũng có  ý kêu gọi bộ đội miền Bắc hồi chánh, hãy về miền Nam tự do với ruộng đồng bát ngát, cơm no áo ấm. Lời lẽ trong bản nhạc này làm Đảng “bức xúc” là phải rồi.
“Cánh Thiệp Đầu Xuân”, sáng tác của Lê Dinh-Minh Kỳ, toàn bài chỉ có mấy hàng nghi ngờ  là đã làm cộng sản mất ăn mất ngủ.

Tôi chúc muôn người mọi đều ước muốn 
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình 
Để người anh lính chiến quay về với gia đình 
Tìm vui bên lửa ấm 

Cũng như  “chú lính” trong “Đừng Gọi Anh Bằng Chú,” “anh lính chiến” trong bài này dễ mến quá, anh được người miền Nam hiền hòa nhân ái chúc anh về bên lửa ấm khi non nước thanh bình. Người ta không nghe giới trẻ ca khen bộ đội mà toàn là lính miền Nam.

Phong trào tuổi trẻ hát “nhạc vàng” càng ngày càng lan rộng, nhất là thể loại nhạc lính bolero. Nếu “áo vàng” trong một bản nhạc bị cấm hát thì “nhạc vàng” gồm hằng ngàn bản nhạc, sao không cấm hết đi?  Nhưng rồi, không hiểu sao năm bản nhạc trên bị cấm chỉ mấy tháng thôi rồi sau đó chúng lại được “giải phóng.” Hay là Đảng không thể kiểm soát nổi? Điều đáng kinh ngạc là trong năm 2017 này những bài hát được giới trẻ trình diễn phổ biến trên Youtube rần rộ có nội dung còn “nhạy cảm” hay “phản động” gấp nhiều lần so với năm bản nhạc trên.

Nét Buồn Thời Chiến (Vinh Sử)
Anh muốn đêm naу, xin thức trọn đêm dài
Vươn mình trên bãi chiến
Giặc thù phơi thâу
Mơ mãi chiến công nàу
Ɗành tặng người hôm naу

Ai đi lính mà không có ước mơ này? Đánh giặc mà không muốn chiến thắng thì đánh để làm gì? Trên thực tế thì con số tử trận của quân đội miền Bắc gấp đôi lần con số miền Nam, và đáng thương hại là rất nhiều bộ đội còn là thiếu niên bị ép phải xa gia đình chấp nhận “sinh Bắc tử Nam.” Nhưng rồi cái chiến thắng quân sự vào 30/4/1975 đó của cộng sản có thật sự là chiến thắng không khi họ không có chính nghĩa. Giới trẻ đã và đang thấy ra điều đó. Nhà đấu tranh trẻ Đặng Chí Hùng có lần nói rằng anh đã bị nhà trường nhồi nhét là phía Việt Nam Cộng Hòa rất xấu, nhưng khi lớn lên anh lại thích nghe nhạc lính của miền Nam. Cũng là nhạc!  Anh tự hỏi: Người có bản chất xấu không thể tạo ra những nhạc phẩm đầy tình người như  thế! Đó cũng là một trong những nguyên nhân để anh tìm hiểu về sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những bài ca dễ hiểu chứa đựng tính nhân bản đã nhiều thập niên đi vào lòng người , từ già tới trẻ, và sẽ mãi mãi…Nó không sôi nổi háo thắng hay cường điệu thúc giục, mà từ từ những giai điệu chân thật xuyên qua trái tim người ta một cách thấm thía. Những sản phẩm của con tim và trí tuệ, của văn hóa và văn minh. Giới trẻ yêu thích nhạc lính qua nỗi xúc động khi hồn nghệ sĩ hòa điệu với lời ca, cảm giác thật tuyệt vời để bù lại những năm tháng bị học những thứ giáo điều khô khan trống rỗng, không thực tế, những loại ngôn ngữ tung hô lãnh tụ, thần thánh hóa một phàm nhân nhiều tội lỗi. Nhóm trẻ khi ca còn thể hiện bằng bộ quần áo rằn ri quân đội một cách thú vị!

Khu Phố Ngày Xưa (Tú Nhi)
Gió cuộn mây đưa về làm không gian chợt tối. 
Khu phố xưa điêu tàn vì tay quân giặc thù 
Nghẹn ngào tôi nghe như trời đất vỡ 
Xót xa phố phường ôi dâng bao căm hờn 

Phải hiểu quá khứ để biết phải làm gì để xây dựng tương  lai. Cộng sản miền Bắc với làn sóng xâm lăng ồ ạt vào Nam đã gây ra biết bao tan thương,  nhà tan cửa nát (chủ trương tiêu thổ kháng chiến tới cùng của HCM). Họ dùng vũ khí của Nga Tàu để giết dân miền Nam vì họ theo lệnh quốc tế cộng sản, nhưng họ lại tuyên truyền láo là “Mỹ xâm lăng miền Nam.” Người dân miền Nam sao không khỏi xót xa, không khỏi căm hờn!

Chiều Tây Đô (Lam Phương)

Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van 
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển 
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay 
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày 
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm 
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?

Người  dân đã dùng ba chữ “mất quê hương” khi Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam. Càng ngày cảm giác về niềm đau mất quê hương bởi giặc nội thù Việt Cộng, bởi giặc ngoại xâm Tàu Cộng càng thêm lên. Họ gọi là “giải phóng” mà người dân mất hết quyền làm người căn bản, đa số còn lầm thang; thiểu số đảng viên cán bộ thì tham nhũng, cướp đất, bán tài nguyên thiên nhiên cho ngoại bang, bắt người yêu nước bỏ tù…

Đêm Hỏa Châu (Hàn Châu)

Màu đèn yêu thương, hôn lên vùng đất mẹ
Đưa anh tìm quân giặc
Anh miệt mài làm lính giữ quê hương
Ôi! Đêm lo âu, ngọn đèn châu khắc khoải canh sâu
Đêm lây lất gọi, bồi hồi vọng về phương chiến chinh cầu
Ôi! Đêm chông gai, vạn người trai đốt lửa tương lai
Hăng say giết giặc
Nguyện thề làm tròn tuổi ngọc hôm nay

Giới ca sĩ trẻ hát hay là nhờ tiếng hát cất ra có hồn, mà muốn có hồn thì phải hiểu ý lời bài nhạc. Trong hoàn cảnh đất nước ngày nay, người thưởng thức có cảm tưởng như những lời ca này mang thông điệp của nghệ thuật tâm lý chiến. Giặc này là giặc  nội thù và giặc ngoại xâm, chúng nó đang sừng sững trước mặt các bạn đó.

Lối Về Đất Mẹ (Duy Khánh)

Mẹ thương con ra cầu ái tử
Vợ trông chồng lên núi vọng phu
Chiều chiều chiều chiều trông về viễn khu
Lòng căm hờn oán quân thù

Người dân miền Trung, người dân Huế không thể quên những trận tàn sát đẫm máu do Việt Cộng gây ra. Nhà trường dưới chế độ độc tài toàn trị, họ bôi xóa lịch sử trung thực, họ tẩy não người dân bằng giáo dục nhồi sọ, bằng sách, bằng báo, bằng đài, bằng loa …

Không những giới ca sĩ trẻ ở Saigon, ở những thành phố đang mê say những bản nhạc mà họ gọi là nhạc vàng, nhạc mùi bolero, nhạc lính, nhạc trước 1975…mà cả dân ở thôn quê cũng không kém đam mê.

Đây chỉ là một ít bài nhạc lính đầy xúc cảm, biểu lộ tình yêu quê hướng đất nước rất thiết tha, trong rất  nhiều tác phẩm đang được phổ biến trên hệ thống Youtube.
Bút Sử
Dec 2017

No comments:

Post a Comment