Người cộng sản, nói chung, được thế giới biết tới như là những con người sống không thật, luôn thông tin dối trá, mị dân. Cuộc chiến tranh Việt Nam được họ dàn dựng một hệ thống tuyên truyền tinh vi lan rộng cả thế giới. Trường học các cấp, sách báo, truyền thông đã nhồi nhét các thế hệ những điều không thật, mục đích làm lợi cho phe thiên tả. Nhà làm phim ảnh Hollywood Ken Burns chẳng hạn, ông ta đã tiếp tay cho phe cộng sản mà giáo sư Gerald W. Flinchum của đại học Kennesaw State University đã vạch ra. Nguyên do của cuộc chiến đã bị bóp méo, xuyên tạc, và ngay cả nhiều hình ảnh cũng bị giải nghĩa sai lệch.
Những phim tài liệu rất là xuất sắc. Tôi đã trình bày hai phần đặc biệt trong lớp của tôi về “Những Năm Đầu” của Chiến Tranh Việt Nam, 1941-1961, tại Trường Đại Học Kennesaw State University, Cont. Phân khoa Edu-OLLI. Những sinh viên của tôi rất là cảm kích một cách ấn tượng. Đồng thời tôi cũng đã để địa chỉ blog-website của tác giả trên danh sách những gì cần đọc của tôi.
Ken Burns đã không nắm được về những điều này. Việc làm rất tốt và công trình nghiên cứu tường tận đáng kể.
Trên là những dòng ghi từ giáo sư Flinchum gởi đến tác giả Bút Sử. Đáng ghi nhận là còn có một số trường và giáo sư có kiến thức, nhận thức đúng đắn về nguồn gốc cùng diễn biến trung thực trong cuộc chiến Việt Nam. Nhóm viết lịch sử xuyên tạc, làm phim Hollywood như Ken Burns phải được vạch trần về tính thiên tả, cố tình che giấu tội lỗi của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhà báo/học giả người Pháp, Olivier Todd, trong cuốn “Cruel April” (Tháng Tư Tàn Nhẫn) có cho rằng đối với người dân Việt Nam thì hình ảnh rất quan trọng. Họ không cần đọc sách báo nhiều, chỉ cần nhìn hình và những lời giải nghĩa dưới tấm hình là đủ, là đã ăn sâu vào tiềm thức.
Hãy so sánh hai sự khác biệt hoàn toàn về ý nghĩa của hai tấm hình sau đây – một do ban tuyên truyền của Đảng tạo ra được Thông Tấn Xã Việt Nam phổ biến, và một do nhà báo Michael Maclear và Hal Buell, tác giả cuốn Vietnam A Complete Photographic History.
Theo TTXVN, hai hình trên họ ghi rằng sau khi Hồ Chí Minh (HCM) ký tạm ước 14/9/1946, Hồ đọc diễn văn rằng người Việt Nam xác định không bao giờ làm nô lệ lần nữa.
Thực tế thì hình thức và ý nghĩa của hai hình trên hoàn toàn khác hẳn với những hiện tượng đã xảy ra liên quan tới hai ngày 4/7/1946 và 14/9/1946.
Hình 1: HCM phát biểu cảm tưởng tại Tòa Thị Chính tại Paris, ngày 4/7/1946, sau khi ký tên vào sổ lưu niệm. Hình này nhìn khá trung thực, không có nét sửa đổi, nhưng cái xảo trá trầm trọng là họ ghi ngày 14/9/1946. Trong sách của Maclear, dưới hình tác giả ghi khác, không có lời HCM cho rằng người Việt xác định không làm nô lệ lần nữa. Xét ra, HCM không dám phát biểu như thế. Lúc này Đảng Cộng Sản Pháp đã mất quyền hành trong quốc hội, nên HCM đành phải “xuống giọng” mềm mại, thậm chí trong ngày họp với kiều bào tại Paris Hồ còn lên tiếng khen nước Pháp rằng “Pháp bây giờ là một nước Pháp mới, không còn thực dân nữa.” Sau này trong video “Chân Dung…” lời phát biểu này bị cắt đi.
Hình 2: Vừa vào văn phòng của Tòa, Hồ được hướng dẫn để ký tên vào sổ lưu niệm. Hình này đã bị sửa đổi hoàn toàn. Hình trung thực là HCM khom người xuống ký tên vào sổ lưu niệm, đứng kế bên là Thủ Tướng Bidault đại diện chính phủ mới đắc cử. Không có chuyện ông Bidault ký gì cả tại ngày này, vì ông là chủ mà khách là HCM. Nhìn kỹ (khi so sánh với hình trung thực, ở phần dưới) người ta sẽ thấy hai không gian hoàn toàn khác, khách tham dự cũng khác nhau. Hơn nữa hình từ TTXVN của Đảng thì tối thui lùm xùm như thể có bôi, có ghép. Việc HCM ký tên vào sổ chỉ có thể xảy ra cao lắm vài ba phút thì không thể có hai tấm hình chụp cùng một vị trí mà quá khác biệt như vậy. Mâu thuẫn rõ nhất là tạm ước 14/9/1946 ký tại nhà Moutet, còn HCM ký tên vào sổ tại Tòa Thị Chính ngày 4/7/1946, cách nhau hơn hai tháng.
Tại sao họ phải tạo ra hình ảnh ông Bidault khom lưng ký tên? Bởi vì HCM đã ký với ông Marius Moutet cái tạm ước Modus Vivendi quá khuya ngày 14/9/1946, rồi Hồ mang về Việt Nam tuyên truyền rằng đó là tạm ước ký giữa chính phủ Pháp và HCM trong tình thế còn đang thương lượng. Nên nhớ rằng Moutet không phải đại diện cho chính phủ Pháp, nên họ đành phải dán hình thủ tướng Bidault.
Để hiểu rõ hơn về diễn cảnh tổng quát, sau đây xin trở về tình tiết từng giai đoạn những gì xảy ra trong việc đương đầu giữa hai bên nước Pháp và HCM.
Vào tháng 7/1946, năm tháng trước khi Pháp thật sự tái chiếm vào 12/1946, chính phủ Pháp đã đoán biết HCM theo lệnh Liên Sô bành trướng chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương. Điển hình nhất là phe Pháp cộng và HCM đã ký Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946. Chính phủ Bidault đã quan sát và theo dõi HCM trong thời gian ông ta tại Paris. Đến tháng 9/1946 chính phủ Pháp đã “tuyên chiến” bằng cách tướng Salan đánh tiếng cho HCM biết là sẽ có chiến tranh nếu Hồ còn tiếp tục theo quốc tế 3 cộng sản. Chính phủ Pháp cho các viên chức ngoại giao và quân đội thương lượng với HCM và Võ Nguyên Giáp, nhưng phe Hồ vẫn cương quyết làm ra chiến tranh dù có hằng triệu người Việt phải chết. Thế nên, trong hiện tình như thế, Pháp phải dậm chân không thể trao độc lập cho Việt Nam (mặc dù vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập vào 3/1945 sau vụ Nhật đảo chánh Pháp). Có vài sự dằn co giữa Hoa Kỳ và Pháp vì Hoa Kỳ lo ngại thế giới hiểu lầm hỗ trợ Pháp “thực dân” một lần nữa; và cuối cùng thì phe đồng minh tự do đã giúp Pháp trở lại Đông Dương để dẹp làn sóng đỏ.
HCM bí lối. Ông ta bèn tạo ra cái tạm ước Modus Vivendi ký với Moutet, vài ngày trước khi bước xuống tàu về lại Việt Nam.
Ban tuyên truyền của Đảng ghi dưới hình 2 rằng HCM ký với chính phủ Pháp Tạm Ước 14/9/1946. Đây thật là một sự gian xảo vô cùng tận.
Xin trình bày thêm một lần nữa. Vài ngày trước khi lên tàu về Việt Nam, tức 14/9/1946, HCM gõ cửa nhà ông Marius Moutet vào quá 12 giờ khuya để nài nỉ Moutet ký cái tạm ước Modus Vivendi (cũng tương tự Hiệp Ước Sơ Bộ, mang Pháp về miền Bắc cai trị…) Moutet là Bộ Trưởng Thuộc Địa, thuộc phe tả, sắp bị mất chức vì chính phủ mới đắc cử Bidault đang thành lập. Moutet đã gần bốn tháng qua giúp Hồ rất nhiều về mọi mặt, nhưng không thể níu kéo gì được. Cái tạm ước này chẳng qua là một kế sách của HCM, dựa vào chữ ký của Moutet để tuyên bố rằng “Chính phủ Pháp còn tiếp tục hợp tác với chính phủ của Hồ”. Mục đích của Hồ là để câu giờ, để trấn an dư luận quần chúng, và âm thầm cùng các đồng chí của ông ta bàn luận chuẩn bị chiến tranh với Pháp. Cái tạm ước tào lao này vô giá trị đến mức Moutet trong bộ bijama chồm tới ký ngay trên đầu giường ngủ, chỉ mong HCM rời khỏi nhà để ông ta tiếp tục giấc ngủ sau những ngày mệt nhọc.
Tóm lại là hình 2 từ TTXVN là một tấm hình bôi cạo, đắp dán, tạo ra ấn tượng thủ tướng Bidault ký tạm ước 14/9/1946. Hình đúng và trung thực từ cuốn của tác giả Michael Maclear giải nghĩa rất rõ ràng- HCM ký tên trong sổ lưu niệm tại Tòa Thị Chính ngày 4/7/1946, kế bên là Thủ Tướng mới đắc cử Georges Bidault. Họ đổi đen thành trắng, quá nửa khuya thành ban ngày, thời gian của hai hiện tượng cách nhau hơn hai tháng, không thể có chuyện ký nửa đêm trên đầu giường rồi liền sau đó đọc diễn văn trước nhiều cử tọa.
Nhà văn lớn Xuân Vũ với nhiều năm làm “văn hóa” bên HCM và tập đoàn, ông không thể chịu nổi sự lừa dối xảy ra hằng ngày nên tìm cách vào Nam năm 1965, sau đó ra hồi chánh. Nơi quê hương miền Nam này, mười năm trước đây vì lòng yêu nước và bị ảnh hưởng của tuyên truyền vào lòng tuổi trẻ nóng bỏng, ông đã tập kết ra Bắc. Nhà văn có những câu viết để đời đáng luôn ghi nhớ:
Đảng Cộng Sản sinh ra để làm hai việc: Nói láo và làm bậy. Hễ chúng nói là nói láo, hễ làm là làm bậy. Xin đọc giả nhớ giùm cho như vậy. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi. (Đồng Bằng Gai Gốc)
Nhiều nhà văn, nhà chính trị, nhà trí thức và người thường – không nhà gì cả – cho rằng Cộng Sản là loại người không tim, không có nhân tính. Tôi đồng ý hoàn toàn. Nhưng chúng giỏi che dấu và giỏi lừa bịp. Cho nên con quỷ khát máu mang bộ mặt người vẫn sống chung được với loài người, thậm chí còn được loài người tin yêu mới lạ chứ. (Tự Vị Thế Kỷ).
Bút Sử
Sources: Vietnam A Complete Photographic History, Michael Maclear and Hal Buell, 2003; TTXVN Documentary Photos; Đồng Bằng Gai Gốc, Tự Vị Thế Kỷ, Xuân Vũ; Cruel April, Olivier Todd, 1987.
No comments:
Post a Comment