Wednesday

Ý Nghĩa 2 Thư HCM Gởi Dân Miền Nam và Toàn Quốc năm 1946

 Hai lá thư Hồ Chí Minh(HCM) viết ra gởi “đồng bào Nam bộ” và “toàn quốc” vào năm 1946 được phổ biến khá rộng rải trên hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Một lá viết vào ngay lúc HCM trên đường qua Pháp, ngày 31/5/1946, nhân vụ Hội Nghị Fontainebleau, và một lá thư thứ hai, ký ngày 19/12/1946, sau khoảng 3 tháng trở về Việt Nam từ Pháp. Sau đây là phân tách nội dung của hai lá thư cùng hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử vào giai đoạn đó.


Ý nghĩa ngày 19/5/1946?
Lá thư ngày 31/5/1946

19/5/1946. Đây là ngày HCM tiếp đón Thống Đốc Đông Dương Thierry d’Argenlieu ra Hà Nội. Mục đích của ông d’Argenlieu ra gặp HCM là để nói về Hiệp Ước Sơ Bộ ký giữa Đại Sứ Pháp Jean Sainteny và HCM vào ngày 6/3/1946. Hiệp Ước này trong đó có nhiều điều, riêng điều khoản “thống nhất 3 kỳ” đã làm d’Argenlieu rất quan tâm. Lý do là Hiệp Ước này do phe Đảng Cộng Sản Pháp và Xã Hội Pháp cùng với HCM làm ra, vì ngay giai đoạn này quốc hội Pháp do hai đảng này lãnh đạo trong chính phủ lâm thời.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đón tiếp phái đoàn Pháp cộng sản tại Hà Nội, 7/3/1946

HCM cùng Võ Nguyên Giáp tiếp đón phái đoàn cộng sản Pháp tại Hà Nội ngày 7/3/1946 đã bị dân Hà Nội ùa ra đường hô la “HCM bán nước!”. Lý do: 3/1945 Pháp đã bị Nhật đảo chánh ra khỏi Việt Nam, Hòa Ước 1884 đã bị vua Bảo Đại xé và tuyên bố Việt Nam độc lập không còn lệ thuộc Pháp nữa, rồi một năm sau thì HCM lại rước Pháp về một cách trân trọng. Người dân không biết rằng Pháp của HCM là Pháp cộng sản, còn Pháp bị đảo chánh là Pháp Vicky, Pháp thuộc phe Fascist, không phải thực dân. Người ta thấy Pháp thì cứ chống mà không thấy các khối khác biệt. Dù sao, việc xuống đường chửi “HCM bán nước!” rất chính đáng và chính xác.

Kết quả buổi gặp gỡ đối thoại giữa HCM và d’Argenlieu đã làm HCM rất lo âu. Hồ chuẩn bị chu đáo cho ngày 19/5 này, hoa giăng trên đường phố, giả tạo tuyên bố đó là ngày sinh nhật và kêu gọi dân chúng ra đường chúc mừng HCM. Cảnh tượng này với mục đích chiêu dụ làm cho d’Argenlieu có cảm nhận Hồ là một lãnh tụ quyền lực được lòng ái mộ của dân chúng. Trên giấy tờ khi hoạt động với quốc tế cộng sản, HCM khai tổng cộng có 5 ngày sinh: 1890, 1891, 1892, 1894, 1895. Vậy không ai biết chính xác ngày và năm sinh của HCM. Lần đầu tiên tuyên bố 19/5/1890 là sinh nhật khi ông d’Argenlieu ra Hà Nội. Nhưng lối dụ thuyết phục như vậy có hợp tình, hợp lý không đối với một ông đã từng là vị linh mục nổi tiếng cứng rắn?

Thống đốc d’Argenlieu cho rằng Hiệp Ước đó không giá trị vì chỉ đề cập tới Việt Nam, còn Miên và Lào thì sao? Nhưng điểm lo ngại nhất của d’Argenlieu là nếu Hiệp Ước này được thực hiện thì “thống nhất 3 kỳ” nghĩa là cả nước Việt Nam bị người cộng sản cai trị dưới sự điều khiển của khối cộng sản quốc tế mà Đảng Cộng Sản Pháp là một thành phần. Do vậy mà d’Argenlieu làm mọi cách để quốc hội phải vào tay phe cánh cộng hòa (chống cộng sản) nhân ngày bầu cử quốc hội 2/6/1946. Đồng thời, trước đây vài tháng ông cũng đã tách Nam Kỳ thành khu tự trị để không bị ảnh hưởng gì tới sự chia chát quyền lợi của Pháp cộng và HCM trên mảnh đất Việt Nam. Chiều hướng cộng sản Pháp không còn thế đứng trên chính trường đã có chỉ dấu ngay những ngày của tháng 5.

HCM tiên đoán được chuyện đó và Hồ chuẩn bị tinh thần về sự thất bại của Đảng Cộng Sản Pháp. Còn nước thì còn tát. Trong lá thư ngày 31/5/1946 có câu “Tôi xin đồng bào hiểu rằng nước Pháp mới không phải là đế quốc chủ nghĩa, đi áp bức, đi chia rẽ dân tộc và nước nhà người ta.” Tinh thần ca ngợi nước Pháp này chỉ mong sao cho Pháp “công nhận’ cái chính phủ của Hồ, mặc dù trước đó ngày 7/3/1946, Pháp cộng sản đã có buổi lễ công nhận chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” của HCM tại Hà Nội và bị dân chửi “HCM bán nước” như trình bày ở trên.

Hồ cho là “nước Pháp mới” cũng không sai. Pháp này là Pháp chống cộng sản, là Pháp phe đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp). Pháp này cùng đồng minh đã thắng Thế Chiến 2 và đang đương đầu với sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản nơi nơi. Lần này có vài câu Hồ viết đúng, họ “không phải đế quốc, không áp bức“, họ đã trả hầu hết các thuộc địa. Còn Pháp của giai đoạn 1940-1945 là Pháp Vicky hay Pháp Fascist mà Thống Đốc Decoux lãnh đạo tại Đông Dương. Khi Pháp đồng minh thắng trận và đang hướng về Đông Dương thì Nhật lật đật đảo chánh Pháp Vicky, kẻ cùng phe với Nhật, để thực hiện “Đại Đông Á”. Pháp đồng minh luận tội Decoux là theo Đức quốc phản bội nước Pháp, ông ta bị đem ra tòa xử tội, nhưng cũng không nặng nề. Một tài liệu của sách cộng sản có nêu việc Charles de Gaulle có “đi đêm” với Decoux, khi đồng minh tới Saigon theo thỏa thuận của Hội Nghị Potsdam, để giải quyết một số vấn đề. Sau đó Nhật bị hai trái bom nguyên tử, rồi HCM lợi dụng thời cơ cướp chính phủ Trần Trọng Kim.

Trở lại vụ lá thư. Thật vậy, kết quả cuộc bầu cử là quốc hội Pháp đã được vào tay phe cộng hòa do Thủ Tướng Bidault lãnh đạo. Hơn bốn tháng ở Pháp, HCM ra công sức họp hành với phe Đảng Xã Hội, làm sao để chính phủ Bidault công nhận chính phủ của Hồ, nhưng hoàn toàn thất bại. Còn phe Đảng Cộng Sản Pháp thì chán ngán Hồ sau vụ Tạ Thu Thâu (đệ tứ quốc tế) bị Hồ sát hại. Cộng sản Pháp cũng chỉ trích việc HCM không dám danh chánh ngôn thuận về Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà giấu diếm hai từ “cộng sản” sợ người dân biết ông ta là tay sai của quốc tế cộng sản, nhưng cuối cùng thì cũng phải chấp hành lệnh của đàn anh lấy tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Việc đón rước Pháp cộng sản vào 7/3/1946 bị dân chửi mắng “Hồ Chí Minh bán nước!” đã lan rộng nhiều nơi. Do vậy mà ông ta đành ghi trong thư với giọng điệu phân bua, không giải nghĩa tại sao mình bị dân chửi như vậy: Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước.

Thư gởi “đồng bào Nam bộ” vì Pháp đồng minh tái chiếm Đông Dương thì trước hết là đến Saigon. Trong lúc tranh tối tranh sáng chưa biết kết quả cuộc bầu cử một cách chính thức thì tâm trạng “bâng khuâng” đã thể hiện qua thư. Trong thế thắng, phe Thủ Tướng Bidault vẫn đối xử với Hồ tử tế, ngoài việc dời ghế không cho HCM đứng ngang hàng với các lãnh đạo khác. Còn tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo rằng HCM là thượng khách khi qua Pháp là cố ý xuyên tạc. Những hình ảnh Hồ được phe cộng sản và xã hội tiếp đón thôi, rõ ràng nhất là HCM đi bên cạnh ông Moutet, một nhân vật thiên tả thuộc Đảng Xã Hội, với chức vụ Bộ Trưởng Thuộc Địa trong chính phủ đang thất cử.

Hồ Chí Minh được phe cộng sản và xã hội đón tiếp dẫn đầu là Marius Moutet
Ghế của HCM bị dời xuống hàng sau bởi lệnh của TT Bidault

Lá thư 19/12/1946.

Một lối viết tiếng Việt mất gốc của HCM. Con người có bản chất nô lệ lộ ra chân tướng từ tư tưởng tới hành động.

Vào trung tuần tháng 9/1946, lúc HCM sắp sửa rời nước Pháp để trở về Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho tướng Salan nói chuyện với HCM rằng nếu Hồ còn tiếp tục làm tay sai cho quốc tế cộng sản thì Pháp sẽ tái chiếm để dẹp làn sóng đỏ. Sau đó, HCM gặp Jean Sainteny và Marius Moutet, hai người bạn thân của Hồ thuộc Đảng Xã Hội. Hồ nói với hai người này rằng: “Nếu chúng ta phải đánh nhau, chúng tôi sẽ đánh. Các anh giết 10 người của chúng tôi, và chúng tôi giết 1 người của các anh, nhưng mà các anh là những người sẽ trở nên mệt mỏi.”

Ngoài tướng Raoul Salan còn có tướng Jean Fonde đã có buổi đối thoại với tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp. Ông Fonde khuyên ông Giáp rằng nên suy nghĩ lại đi, chiến tranh làm thiệt rất nhiều phương diện, Giáp trả lời ngay rằng: Chính trị đứng trên kinh tế, sự tàn phá không quan trọng, một triệu dân chết cũng không quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng!

Thế là Pháp bắt buộc phải tái chiếm Đông Dương theo sự cần thiết của thế giới tự do, mà Hoa Kỳ là nước đứng đầu đã hỗ trợ vũ khí cùng các thứ cho Pháp.

Khi biết Pháp tái chiếm để đánh cộng sản ra khỏi Đông Dương thì Hồ lại lường gạt dân qua lá thư kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, cho rằng “thực zân Pháp chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Như video trên là bằng chứng, Pháp rất muốn HCM rời bỏ hàng ngũ cộng sản để Pháp không cần tái chiếm, thế nhưng với giọng điệu cứng rắn của ông Giáp, theo lệnh HCM, không chút lưỡng lự trả lời ngay rằng sẵn sàng làm ra chiến tranh dù một triệu dân Việt phải bỏ mạng. Vậy cho thấy chính HCM làm ra cuộc chiến theo chỉ huy của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Cuộc chiến bắt đầu từ 19/12/1946 kéo dài tới 30/4/1975 là cuộc chiến tranh ý thức hệ đã làm hằng triệu người bỏ mạng vì tham vọng điên cuồng của tên đầu sỏ HCM.

Năm 1970, sau khi Hồ Chí Minh(HCM) qua đời, Đại Sứ Pháp Jean Sainteny cho ra cuốn “Ho Chi Minh and His Vietnam.” Sainteny thuộc Đảng Xã Hội, rất gần gủi HCM lúc ở Việt Nam cũng như khi Hồ qua Pháp ở 4 tháng vào năm 1946, nên ông ta là một trong số người hiểu rõ bản chất và con người của HCM.

Sau trang 66 có nhiều hình ảnh HCM và phụ chú. Dịch ra tiếng Việt: “Từ một mệnh lệnh trụ cột, Hồ Chí Minh đã phóng ra một cuộc chiến tranh đẫm máu tương tàn. Sau lưng Hồ là bức hình của Nikolai Lenin và Josef Stalin, những ông thầy của Hồ.“ Sainteny rất chính xác nêu rõ rằng HCM nhận “mệnh lệnh trụ cột bí mật” của quốc tế cộng sản phóng ra cuộc chiến tranh đẫm máu làm hằng triệu người chết.

Hệ thống tuyên truyền tinh vi của Đảng làm cho triệu triệu dân Việt hiểu sai về cuộc chiến. Đến như Bùi Tín, từng là Phó Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, là cựu Đại Tá trong quân đội cộng sản, cũng không hiểu gì cả về HCM. Ông phải bỏ thời gian khoảng 10 năm khi tỵ nạn bên Pháp để nghiên cứu về cuộc chiến mới thấy ra sự thật. Bùi Tín tuyên bố tại một buổi họp ở San Jose, CA, rằng nếu HCM không theo đường lối quốc tế 3 thì Phương Tây không cần cuộc chiến tranh để dẹp cộng sản…

Tóm lại, hai lá thư gởi “đồng bào Nam bộ” và “toàn quốc kháng chiến”, một cái thì ra vẻ mềm mỏng đối với nước Pháp vì ông ta hy vọng nếu phe cánh cộng sản không nắm quốc hội và phe cộng hòa lãnh đạo thì Hồ cũng chạy theo thế lực đang nắm quyền để mong họ giúp. Hồ viết: Nước Pháp mới không phải là đế quốc chủ nghĩa…Khi bị phản ứng ngược từ Thủ Tướng Bidault thì trong lá thư sau, 19/12/1946, Hồ biết rằng Pháp sẽ tái chiếm để dẹp cộng sản, rồi ông ta ngụy tạo gạt dân rằng Pháp trở lại Việt Nam để “thực dân, cướp nước”.

Bút Sử

Sources: Ho Chi Minh A Biography, Pierre Brocheux, 2007; An Encyclopedia of World History, 1948CSPAN video; Youtube Video.

No comments:

Post a Comment