Đôi mắt Hồ Chí Minh trên gương mặt Lenin (Vietnam Magazine)
Vô số sách báo tại Việt Nam trong nhiều năm qua không ngớt ca ngợi Hồ Chí Minh như là một anh hùng dân tộc, yêu tổ quốc, thương đồng bào…Nhưng sự thật thì như thế nào?
Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp năm 1920, và sau đó 1924, Hồ chính thức trở thành đảng viên đảng cộng sản thuộc hệ thống Đệ Tam Quốc Tế. Từ đó coi như Hồ Chí Minh làm và lãnh lương của quốc tế cộng sản. Hồ Chí Minh, qua các tài liệu, cũng như chính ông ta viết ra, tỏ ra rất gương mẫu trong vai trò làm người quốc tế cộng sản.
Chủ trương của quốc tế cộng sản là không thể coi quốc gia mình là quan trọng, mà phải dùng quốc gia của chính mình làm cái đà bước lên danh vọng cá nhân và cho sự ích lợi của quốc tế cộng sản. Chủ trương “tam vô”, vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo làm căn bản. Do đó, qua nhiều năm được huấn luyện thành người cộng sản thuần thành, Hồ đã thấm nhuần phong cách trên của người cộng sản.
Bằng chứng cho việc “vô tổ quốc” của Hồ Chí Minh được chứng minh qua một câu văn của T.Lan viết trong “Vừa Đi Vừa Kể Chuyện.” T. Lan là bút danh của Hồ Chí Minh mà chính Viện Bảo Tàng Hồ Chí Minh đã công bố. Trang 36, T. Lan viết:” Chỉ còn cách là chạy về Tổ quốc cách mạng – Liên Xô.” Năm 1927, nhận lệnh đàn anh, Hồ Chí Minh hoạt động tại Quảng Châu, nơi đây bị Quốc Dân Đảng ruồng bắt, Hồ chạy qua Thái Lan, rồi chạy sang Mã Lai…Tới Hongkong cũng bị sở mật thám theo dõi, rồi ông chạy sang Thượng Hải. Tại đây Hồ cũng bị trong tình trạng nguy hiểm có thể bị bắt dễ dàng vì quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã bị nhận dạng. Hồ đành phải chạy về “tổ quốc” của ông là Liên Sô mà chính T.Lan đã xác nhận.
Khi gia nhập Đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, điều kiện tiên quyết phải nhập tâm là phải biết yếu tố bạo lực cách mạng (violent revolution) mà tổ sư Marx đã đề ra. Khi thực hành thì đảng viên như Hồ Chí Minh phải biết là người thầy gương mẫu Lenin và Stalin áp dụng luật lệ rất gắt gao và sắc máu. Nếu không tuân hành sẽ không toàn mạng. Lenin đã đưa vào cương lĩnh Đảng là cán bộ phải là người “cách mạng chuyên nghiệp” (professional revolutionaries), phải hoạt động toàn thời gian và tuân theo giáo điều đưa ra trong các khóa huấn luyện một cách triệt để. Lenin còn cho rằng các cán bộ, dù được huấn luyện, nhưng khả năng còn kém chưa đủ để tự họ quyết định các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng tới quyền lợi đảng cộng sản quốc tế. Cho nên, nhất nhất, khi cần làm điều gì đảng viên vẫn phải hỏi ý kiến và thông qua quyết định của cấp trên. (He was convinced that workers lacked the capacity to think and act effectively for themselves; therefore, they must follow the leadership of a small, elite group, the Communist Party, trang 95, Two Way of Life, the Communist challenge to Democracy).
Sau hơn 20 năm chính thức hoạt động cho quốc tế cộng sản, sống bằng nghề làm “cách mạng chuyên nghiệp,” Hồ đáo đầu về lãnh thổ Việt Nam, lập căn cứ tại hang Pac Bo. Tâm trí Hồ lúc nào cũng nghĩ về tổ quốc Liên Sô, đến phải thốt ra mấy câu thơ như“Đây núi Lê-nin, kia suối Mác…Hai tay xây dựng một cơ đồ.” Tổ tiên của Hồ không phải là Hùng Vương, các chiến công oanh liệt của lịch sử của Hồ không phải Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Đọc thêm lời của Hồ: “Ở nước tôi, có câu chuyện đời xưa về cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh.”
Đấy, tâm thức của Hồ Chí Minh là thế. Tự ông nghĩ ra rồi gán ghép cho nhân dân. Nhân dân nào bằng lòng cái “cẩm nang” thần kỳ của Lenin? Nhân dân nào lại cho rằng Lenin là mặt trời soi sáng con đường…? Trong một câu chuyện nghe qua giữa những người lớn tuổi ngoài miền Bắc: người dân bình thường với cuộc đời bình dị, tự nhiên Hồ mang tới cho họ những sự thay đổi về cách sống, về một con người xa lạ mà Hồ cho là vĩ nhân và bắt mọi người phải tôn thờ. Người ta đã chán chường cảnh sống nô lệ dưới ách thực dân, Pháp đã ra đi coi như thoát nạn, nay lại có thêm hình mấy “thằng mũi lõ râu xồm” của ông Hồ mang về làm đảo lộn thêm đời sống. Suy nghĩ chi cho mệt. Mọi người khi thấy ông Hồ cho phát động chiến dịch treo hình Marx -Lenin, cứ nghĩ cũng là mấy “thằng Tây.” Họ đâu phân biệt được các sắc tộc người Tây phương một cách rõ ràng.
Ông Hồ cũng đã từng nói 95% dân mù chữ kia mà, làm sao họ biết “biện chứng duy vật” của Marx là gì, làm gì họ biết chủ nghĩa cộng sản với những nhóm chữ “cách mạng bạo lực,” “đấu tranh giai cấp” v.v.. Chỉ có một thiểu số người đầu tiên theo ông Hồ làm công tác tuyên truyền có chút kiến thức, mà trên thực tế thì họ cũng không thấu đáo về lý thuyết cộng sản, nói chi là dân. Ông Hồ cũng đã viết trong “Văn Hồ Chủ Tịch,” khi ông hỏi một cán bộ rằng: Hỏi: vậy chú có đọc các bài giảng về Mác Lê chưa? Đáp: Dạ có. Hỏi: Chú đã đọc, nhưng có hiểu gì không? Đáp: Dạ, không hiểu gì hết! Vậy mà Hồ dám cho là nhân dân coi Lenin là “cẩm nang” là “mặt trời soi sáng!”
Người ta lại quay về thời ông Hồ khi gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp, tại đại hội Tour, ông Hồ cũng không phân biệt được cộng sản đệ tứ, đệ tam, đệ nhị là gì. Trong lúc này, khi ông viết mấy dòng trên về Lenin, cái “cẩm nang” thần kỳ, thì những người quốc gia tranh đấu cùng thời với Hồ đã hiểu qua thuyết Marx Lenin và lắc đầu cho rằng không bao giờ thích hợp tại Việt Nam. Điển hình như cụ Phan Bội Châu, 1925, khi Hồ Chí Minh thuyết phục theo cộng sản, cụ đã sáng suốt không chấp nhận, liền sau đó cụ bị Hồ bán cụ cho Pháp. Và trước đó còn có các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, họ học về thuyết cộng sản trước Hồ Chí Minh, nhưng họ có theo cộng sản đâu?
Nói như thế để thấy cái u tối của ông Hồ, và để thấy Lenin nhận định về các cán bộ của ông ta không sai. Ông cho rằng cán bộ, chẳng hạn như Hồ Chí Minh, không đủ khả năng suy nghĩ và làm việc có hiệu quả nên chính Lenin mới viết ra một chính sách mới thêm vào những điều căn bản Marx đã đưa ra. Đó là cán bộ phải nhất nhất nghe theo lệnh của cấp trên (small, elite group-the communist party),tức trong đó lãnh đạo chính là Lenin. Nếu không tuân theo thì chính chủ trương bạo lực của chủ nghĩa cộng sản sẽ làm cho cán bộ như ông Hồ không toàn mạng. Hồ nô lệ từ tâm thức nô lệ ra ngoài là vậy.
Khi Hồ Chí Minh đã vong bản như thế thì chẳng lẽ đàn em của Hồ lại không. Những kẻ làm nghề “cách mạng chuyên nghiệp” như Tố Hữu chẳng hạn, phải làm việc, không thể ngồi không lãnh lương, mà khi làm việc thì phải đi theo tiêu chuẩn của Đảng đề ra.Có ai cả gan dám cãi lại? Rất dễ hiểu. Giết người, thủ tiêu hay thanh trừng người khác trong chế độ cộng sản không phải do cảm tính hay giao động tùy lúc, tùy hứng của người hành động, mà đó là chính sách do Marx đề ra và Lenin thi hành chính sách đó đầu tiên. Lenin là thầy, là ánh sáng soi đường của Hồ Chí Minh, mà trong chủ thuyết cộng sản, bạo động được đưa lên hàng đầu, nên dĩ nhiên, Hồ ca ngợi Lenin đồng nghĩa với ca ngợi bạo lực giết người để thi hành mục đích.
Vì thế, người ta không mấy ngạc nhiên khi đọc những câu thơ của Tố Hữu: “Như giọt máu trong dòng nhiệt huyết chảy về tim…Tôi hòa trong dòng người bất tuyệt…Đi lặng im…Trên đá lát Hồng trường…Mạc Tư Khoa yêu mến…Cám ơn Người đã cho ta hãnh diện…Làm những con người có đủ óc đủ tim…Thà mất đầu, không chịu cúi đầu im…Trước Krem-li!”
Tố Hữu đã theo gương Hồ coi Lenin như “mặt trời soi sáng” lời dạy của Lenin như “cẩm nang thần kỳ” nên đã cám ơn “Người” đã làm cho Tố Hữu hãnh diện khi đang đi trước Hồng trường, yêu mến Mạc Tư Khoa, một thành phố thuộc tổ quốc Liên Sô của Hồ Chí Minh. Đọc tiếp vần thơ Tố Hữu đúng theo chủ trương sắc máu của Marx Lenin:“Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ…Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong…Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng…Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt!”
Lenin chết sớm 1/1924, người mà Hồ rất muốn gặp nhưng đã mất cơ hội. Stalin là kẻ thực hiện thuyết bạo động của Lenin, đã giết hằng triệu người mà Khrushchev, tổng bí thư kế tiếp, đã thắng thắn chỉ trích.
Ở đây, người ta không luận bàn nội dung hay dở, bởi cũng là lẽ thường, khi người cộng sản phản ảnh trong thơ chủ trương tàn ác của chế độ cộng sản, nhưng là nhân cách và nhân phẩm của người cầm bút, người làm thơ. Trong lời thơ của Tố Hữu ta thấy đầy máu tươi của đồng bào ông ta. Tố Hữu dùng ngôn ngữ để vẽ lên hình ảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, phụ họa bức tranh đẫm máu bên Liên Sô và Trung Cộng khi Stalin và Mao đã giết hằng triệu những người có ý chống Đảng. Có thể nói, những người như Hồ Chí Minh, như Tố Hữu, họ đã bán lương tâm cho phường quỷ đỏ, sẵn sàng đánh đổ văn hóa phong tục ngàn đời của tổ tiên để phụng sự cho thế giới vô nhân bản, vô thần, vô gia đình. “Thương cha, thương mẹ, thương chồng…Thương mình thương một, thương ông thương mười.” cũng là câu thơ nổi danh của nhà thơ văn hóa số một của chế độ cộng sản.
Nó đã nói lên bản chất vong bản hết mức của tập đoàn cộng sản. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã cho rằng ngôn ngữ Việt không đủ từ để diễn tả hết cái ác của chế độ này.
Để nói lên tính nô lệ của Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thiện đã gẩy gọn: “Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó…Việc nó làm, tội nó phạm ra sao…Nó đầu tiên đem râu nó bện vào…Hình xác lão Mao lông lá…Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá…Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa…Không phải xoa đầu, mà túm tóc nó từ xa…Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu…Lúc rụi vào Tàu, lúc rụi vào Nga…Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó…Và tình nguyện làm con chó nhỏ…Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh…”
Sự lệ thuộc đàn anh từ ngày có Đảng được coi như nguyên tắc rồi. Chưa bao giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam đứng thẳng trên hai bàn chân, lúc nào cũng dựa vào kẻ khác, khi thì Nga, khi thì Tàu, nay thì nghiêng hẳn theo Tàu để bảo đảm quyền lợi cai trị, theo Mỹ tiếp tế cho nền kinh tế què quặt, vì có thế mới còn cơ hội tiếp tục thống trị. Đảng “đu giây” không ngừng, đu không khéo thì bị té ngã, và cái tài này xem ra khá nhuần nhuyễn vì Đảng đã thực hiện trong hơn 60 năm qua. Một lực lượng của Đảng được dàn dựng đi đi lại lại ở các nước tự do để mưu cầu những lợi ích về kinh tế, nuôi Đảng vinh thân phì da, đi ngược lại 180 độ về chủ trương tiêu diệt tư bản của Đảng.
Sau khi mục đích nhuộm đỏ đã hòan thành thì khi bị vấn đề nguy kịch Đảng cũng đã theo gương chủ tịch Hồ chạy về tổ quốc Trung Cộng để nghe giảng huấn và mệnh lệnh, không phải là Liên Sô nữa vì nó đã tan rã từ 1991. Để bảo đảm sinh mạng chính trị của Đảng, Đảng phải nạp mình tự làm nô lệ. Sự nô lệ này được thể hiện rõ rệt qua việc người Tàu vào Việt Nam không cần visa, việc Đảng đã dâng đất nhượng biển, tặng hải đảo cho đàn anh Trung Cộng liên tiếp, văn thư chính thức và bí mật, từ các năm 1958, 1974, 1999, 2000, 2007.
Thêm nữa, đầu năm 2009, việc bành trướng thế lực chính trị tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng của Trung Cộng một cách công khai. Hàng ngàn nhân công (thật ra ra cán bộ, bộ đội?) đã và đang đổ bộ vào miền Tây nguyên qua việc khai thác Bọ Xít. Không có một thái độ chống đối, Đảng còn “hồ hởi” nhìn ngoại nhân đang xâm chiếm lãnh thổ một cách mãn nguyện? Bởi hai bên với nhau là “đồng bào Hoa”(báo Saigon GP) là “môi hở răng lạnh”, còn quyền lợi của toàn dân Việt Nam là con số không to tướng.
Bút Sử
No comments:
Post a Comment