Một Chuỗi Dài Làm Tay Sai kể từ 19.8.1945
Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, tình hình chính trị tại Việt Nam thay đổi không ngờ – sự xuất hiện của Nhật Bản. Nhật đã đến Đông Dương, sau đó đảo chánh lật đổ Pháp rồi ra đi một cách nhanh chóng, để lại một khoảng trống chính trị bất ngờ, tạo cơ hội thuận tiện cho cuộc nổi dậy của Việt Minh và tiếp theo họ cướp chính quyền.
Mốc điểm quan trọng 1945
Nhật dần dần thất bại trước sức mạnh của phe Đồng Minh đứng đầu gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp. Lo sợ Pháp mở cửa cho quân đội Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương nên Nhật quyết định ra tay trước. Nhật đảo chánh Pháp làm chủ tình hình Đông Dương ngày 9 tháng 3, 1945.
Chính phủ Trần Trọng Kim
Ngày hôm sau 10 tháng 3, 1945, cố vấn Nhật là Yokohama đến gặp vua Bảo Đại cho biết người Nhật quyết định trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau lập khối Đại Đông Á. Bảo Đại chấp thuận. Ngày 11 tháng 3, 1945 nhà vua xé hoà ước 1884, tuyên bố Việt Nam Độc Lập và gia nhập khối Đại Đông Á. Ngày 19 tháng 3, 1945 toàn thể nhân viên trong chính phủ Nam triều của Phạm Quỳnh từ chức. Bảo Đại kêu gọi nhân tài ra giúp nước. Cụ Trần Trọng Kim được mời từ Thái Lan về thành lập chính phủ ngày 17 tháng 4, 1945. (Ban Giáo Khoa Sử Địa 12ab, nhà Xuất Bản Trường Thi, Saigon, 1974, trang 70)
Chính phủ gồm những nhà trí thức và chuyên viên: Trần Trọng Kim (Thủ Tướng), Trần Văn Chương (Ngọai Giao), Trần Đình Nam (Nội Vụ), Trịnh Đình Thảo (Tư Pháp, sau mới biết phe Việt Minh), Hoàng Xuân Hãn (Giáo Dục), Vũ Văn Hiền (Tài Chánh), Phan Anh (Thanh Niên), Lưu Văn Lang (Công Chánh, ở Saì gòn, không nhận chức), Vũ Ngọc Anh (Y Tế), Hồ Tá Khanh (Kinh Tế), Nguyễn Hữu Trí (Tiếp Tế).
Theo tài liệu lịch sử trên, chính phủ Trần Trọng Kim đã sửa đổi phương cách hành chánh để phù hợp với tình hình lúc đó. Ông đã điều chỉnh và hợp nhất hai chính quyền bảo hộ và Nam triều. Ông đã thay thế công chức Pháp bằng công chức Việt, ra lệnh cho dạy tiếng Việt tại các trường trung và tiểu học. Chương trình của chính phủ gồm luôn việc xúc tiến thống nhất pháp luật ba kỳ để tránh lạm quyền về hành chánh và tư pháp, tổ chức những đoàn thanh niên tiền phong, chiến dịch chống nạn đói v.v..
Việc làm và kế hoạch đang tiến hành; tuy nhiên chính phủ gặp trở ngại vì Nhật sắp bại trận và việc này ảnh hưởng tới sự điều hành của chính phủ. Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 16 tháng 8, 1945, sau vụ Mỹ thả bom nguyên tử tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945 và sau đó 3 ngày tại Nagasaki. Nhật trao phủ Toàn Quyền và các cơ quan hành chánh cho Khâm Sai Phan Kế Toại.
Ngày 17 tháng 8, 1945, Tổng Hội Công Chức họp mít tinh đòi Nhật trả độc lập thật sự trước nhà hát lớn ở Hà Nội. Trong khi các diễn giả hô hào dân chúng, các phần tử Việt Minh hạ cờ chính phủ Trần Trọng Kim, kêu gọi dân chúng ủng hộ mặt trận, biểu tình tuần hành. Ngày 19 tháng 8, 1945, cũng tại công trường nhà hát lớn, một cuộc biểu tình vĩ đại được Việt Minh tổ chức. Ngày hôm sau, Việt Minh chiếm cứ các công sở. (Sử Đia 12ab,trang 74)
Như vậy đã rõ, ngày 17 tháng 8, 1945, Việt Minh chỉ lai rai một nhóm nhỏ nhào vô bên trong nhà hát lớn hạ cờ vàng ba sọc đỏ (Cớ Quẻ Ly). Hai ngày sau, 19 tháng 8, Việt Minh huy động dân chúng, hô hào đuổi Pháp chống Nhật, nhưng thật ra thì Tổng Hội Công Chức là nhóm tiên phong làm buổi mít tinh, Việt Minh nhảy vào cướp công và cướp luôn chính quyền.
Nếu Việt Minh là thành phần quốc gia thật sự muốn đóng góp vào việc xây dựng đất nước thì đã hợp tác với chính phủ Trần Trọng Kim. Việc thành lập chính phủ này là một bước đầu tiên để thay thế thể chế quân chủ sang quân chủ lập hiến, cũng giống như Nhật, Anh, Thái Lan và một số nước khác. Bằng chứng là từ 1947 đã có Giải Pháp Bảo Đại, cựu hoàng Bảo Đại đã trở thành Quốc Trưởng Bảo Đại 1949, không phải vua Bảo Đại. Pháp lúc này không phải Pháp thực dân mà Pháp đương đầu với làn sóng đỏ của cộng sản.
(Nguồn hình trên từ “Con Rồng Việt Nam.” Dân chúng Saigon mít tinh, 1947, yêu cầu vua Bảo Đại trở lại chấp chinh. Hàng ngàn người với một rừng biểu ngữ qua các hàng chữ: Toàn Dân Việt Nam….Sức Mạnh Quốc Gia…Độc Lập Tự Do…)
Vua Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam Độc Lập, đã có chính phủ, hoà ước 1884 giữa Pháp và Việt Nam đã được xé trước quốc dân. Pháp đã ra đi, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh cũng đã ra đi. Mọi việc coi như thuận lợi vô cùng cho việc củng cố tình hình chính trị, kinh tế, học đường, v.v…Hơn nữa và không kém quan trọng, sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, tổng thống Hoa Kỳ Truman đã theo chính sách của cố tổng thống Roosevelt đề nghị thiết lập tại Đông Dương một chế độ giám hộ quốc tế để đi đến việc trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt, Miên, Lào. Vào 1946 thì coi như tất cả các nước trên thế giới bị chính sách thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha…đã được trả lại độc lập. Chính phủ Pháp lãnh đạo bởi Felix Gouin, thuộc Đảng Xã Hội, trở về Việt Nam qua Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 6 tháng 3, 1946 với vai trò tiếp trợ Hồ Chí Minh, không phải thực dân.
Trở lại tháng 3, 1945. Đây là một cơ hội mà hàng trăm năm toàn dân mong muốn, thế nhưng âm mưu cướp chính quyền đã có trong não trạng của tập đoàn cộng sản lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh từ ngày ông trở lại Việt Nam sau 30 năm hoạt động trong khối quốc tế cộng sản. Hồ Chí Minh đã được huấn luyện làm thế nào để cưóp chính quyền, phải tạo ra phong trào yêu nước mang nhãn hiệu quốc gia. Vấn đề ở đây là đa số người dân khi ủng hộ Việt Minh đã không biết rằng đó là bưóc đầu của một chế độ độc tài sắc máu, khi leo lên lưng cọp rồi thì không dám nhảy xuống. Một số khác thì theo cộng sản vì tin vào chủ thuyết một cách mù quáng, coi đó như lý tưởng. Đại đa số dân chúng lại mù chữ, như ông Hồ đã từng nói mù chữ đến 95%, thì làm sao biết cộng sản là gì, họ lại bị cuốn theo làn sóng tuyên truyền gieo rắc lòng ganh ghét, thù hận giữa giai cấp giàu và nghèo trong xã hội.
Thời nay tâm lý trên không còn nữa. Tâm trạng của mỗi nhóm người đã thay đổi. Nói chung thì tất cả đã biết ra sự thật về tội ác mà Hồ Chí Minh đã làm đối với dân tộc và đất nước, về việc phản bội tổ quốc của tập đoàn trong bộ chính trị. Tuy thế, Đảng vẫn phải cố nặn ra hình tượng Hồ với bao mỹ từ cao đẹp, tôn thờ ông ta một cách tuyệt đối. Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết Đảng dùng Hồ Chí Minh như lá bùa hộ mạng, như cái phao. Người ta thấy nhiều phong trào chống đối Đảng và nhà nước, nhưng tại sao chưa có một biến động gì làm thay đổi cuộc diện? Vấn đề này đã và đang có nhiều nhận định và phân tích trước nay.
Ngày 19 tháng 8, 1945, là ngày cộng sản miền Bắc từng hô hào là ngày ta cướp chính quyền thì ngay việc tuyên bố như vậy đã cho thấy họ không có chính nghĩa và lộ ra những giáo điều căn bản mà Hồ Chí Minh đã thu nhận được từ thuyết Marx Lenin. Bạo động để cướp chính quyền. Bạo động là một trong năm nguyên tắc căn bản của học thuyết cộng sản mà chắc chắn Hồ Chí Minh đã nằm lòng và áp dụng nó một cách triệt để.
Violence and force are the only means of achieving basic social change. Marx argued that basic changes in society can be brougtht about only through force and violence, and not through peaceful, constitutional means. (Two Ways of Life- Communist challenge to Democracy- page 95) Bạo động và vũ lực là phương cách duy nhất cho việc thực hiện sự thay đổi xã hội một cách căn bản. Marx biện luận rằng những thay đổi căn bản trong xã hội có thể xảy ra chỉ bằng vũ lực và bạo động, không phải qua cách thức hòa bình hay lập hiến. Một cuốn sách đã được dùng trong các trường trung học tại Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh.
Sau khi cướp chính quyền rồi, nước cộng sản đàn em đứng trong vị thế nào? Họ có làm chủ được đất nước mình hay không? Việt Nam có thực sự độc lập không? Cưỡng chiếm bằng vũ lực xong miền Nam 4/1975, không bao lâu, Việt cộng răm rắp thi hành mệnh lệnh từ đàn anh Liên Sô, tấn công Campuchia với mộng nhuộm đỏ luôn Đông Dương. Lãnh đạo Việt cộng đã nướng và chôn hơn 50 ngàn bộ đội miền Nam để dâng cho đàn anh Liên Sô vĩ đại. Thế rồi theo thời gian làn sóng đỏ đã không được lan dần mà còn bị tan rã. Nay còn lại đàn anh môi hở răng lạnh Trung cộng, sống còn như một đảng mafia đỏ, Việt cộng dựa vào đó để nương thân, nuôi mafia đỏ Việt Nam.
Sự nô lệ này thật ra cũng nằm trong nguyên tắc của Lenin đã đề ra từ trước. Nó đã là một cái lệ mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang theo một cách đều đặn, dù đi theo đàn anh Nga hay Tàu, Đảng cũng vẫn mang tâm thức đó.
He was convinced that workers lacked the capacity to think and act effectively for themselves; therefore they must follow the leadership of a small, elite group, the Communist party. (Two ways of Life, page 95) Ông ta (Lenin), đã tin tưởng rằng những người hoạt động thiếu hẳn khả năng để suy nghĩ và hành động một cách hiệu quả cho chính họ, do đó họ phải tuân theo lãnh đạo của một nhóm nhỏ, nhóm tối ưu, đó là Đảng Cộng Sản.
Đấy, chính ông thầy vĩ đại của cộng sản đàn em cho rằng những người hoạt động ở cấp dưới như Hồ không đủ khả năng suy nghĩ để làm việc có hiệu quả, nên bắt buộc phải nghe theo đàn anh. Thêm nữa, Stalin cũng đã gọi Hồ Chí Minh là a communist troglodyte – một tên cộng sản ngu dốt như người tiền sử. Những người cộng sản lãnh đạo của Hồ xem Hồ chỉ là kẻ thừa hành, chỉ biết thực thi lệnh cấp trên. Hồ Chí Minh và tập đoàn đã từng viết, từng ngạo mạn trong hằng ngàn cuốn sách ở Việt Nam rằng Lenin là cẩm nang thần kỳ, ánh sáng chiếu rọi, Mao là mặt trời, là cứu tinh, là cây đại thụ, là ngọn hải đăng… Dù bị khinh thường là kẻ vô tri thức, chỉ biết thừa hành nhưng Hồ Chí Minh và tập đoàn vẫn bằng lòng chấp nhận và sẵn sàng tuân thủ cấp trên.
Cấp trên ngày nay chính là Trung Cộng. Chuỗi dài những hiện tượng xảy ra từ ngày cộng sản cướp chính quyền 17 tháng 8, 1945, đến việc chia đôi đất nước, việc thực hiện chiến thuật Cải Cách Ruộng Đất, tạo ra cuộc chiến tranh tương tàn làm hằng triệu dân Việt mất mạng, tổng tấn công năm Mậu Thân, xâm lăng Campuchia, dâng hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng đất và biển cho Trung Cộng, đặc quyền kinh tế cho Trung Cộng v.v…, tất cả chỉ là cung cách nô lệ, làm tay sai một cách ngoan ngoãn và đắc lực, thực thi tất cả những gì đàn anh đề ra.
Ý thức rồi mới hành động. Nếu tuổi trẻ, lứa tuổi làm thay đổi cuộc diện trong nước, không biết hết sự thật và vẫn bị nhồi nhét những điều tuyên truyền xuyên tạc thì việc trông chờ vẫn còn đó. Tìm hiểu lịch sử một cách trung thực, ghi nhận, ghi lại những biến cố, hiện tượng, ngày tháng xảy ra, tên họ những ai làm gì, đối chiếu với những tài liệu khác, đó có phải là việc làm cần thiết mà thế hệ trung niên nên bắt tay vào. Thời hậu cộng sản, cả một hệ thống sẽ được thay thế. Một chuỗi dài những hành động bán nước hại dân, sẵn sàng làm chuyện phản quốc miễn sao quyền lợi ăn trên ngồi trước được bảo vệ lại được suy tôn là những nhà lãnh đạo, cai trị đất nước mãi sao?
Cái nôi Liên Sô sụp đổ sau hơn 70 năm cai trị, cộng sản độc tài tại Việt Nam đã trải qua hơn 34 năm trên toàn cõi đất nước. Ngày ấy sẽ đến, lâu hay mau tùy vào sự vận dụng của toàn dân trong và ngoài nước.
Bút Sử
8/2009
8/2009
Sources: Sử Địa 12ab, nhà xuất bản Trường Thi Saigon, 1974; Two Way of Life, The Communist Challenge to Democracy, William Ebenstein, 1964;
No comments:
Post a Comment