Saturday

Đảng Cộng Sản Việt Nam Có Suy Thoái và Biến Chất Không?

Ngày 4/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng hệ thống Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam, đã tuyên bố ra khỏi Đảng. Trước đó ông cũng đã đánh tiếng thành lập “Đảng Dân Chủ Xã Hội” và các giới trong và ngoài nước bàn tán một thời gian.Ý tưởng đa nguyên đa đảng của ông Đằng được đánh giá có tầm mức thúc đẩy tiến trình dân chủ. Với lý do ông ghi rất đơn giản khi rời bỏ hàng ngũ Đảng, bài viết này xin khai thác điều ông cho rằng Đảng ngày nay khác Đảng trước kia mà một thời gian dài hơn 40 năm ông đã sát cánh.

Trong lá thư được phổ biến ông Lê Hiếu Đằng ghi là “hơn 40 tuổi Đảng.” Nếu tính từ ngày ông giữ những chức vụ (theo Wikipedia) phó Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam (1968-1977), TổngThư Ký Uỷ Ban Nhân Dân Cách Mạng khu Sài Gòn Gia Định (1969-1975), Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (từ 1989-2009)…cho đến nay phải là khoảng 45 năm.
Lê Hiếu Đằng là một trí thức miền Nam,được nuôi dưỡng bởi chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa, nhưng một mặt ông hoạt động cho Đảng Cộng Sản như vai trò ghi trên kể từ 1969. Để rồi một thời gian dài sau 1975 khi hợp tác làm việc với Đảng ông mới từ từ khám phá ra một số sự thật hoàn toàn khác với những gì ông nghĩ trước đó. Chúng ta được hiểu như vậy.
Ông đã từng lên tiếng chống Trung Cộng xâm lược Biển Đông, nêu lên ý tưởng“Việt Nam (cộng sản) chưa có văn hóa từ chức” khi rất nhiều lãnh đạo của Đảng dẫn đầu là Nguyễn Tấn Dũng công khai tham nhũng. Trong phiên xử nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình 30/10/2012, ông nói “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng.”
Nhiều người đồng ý rằng những tuyên bố đó rất có lợi cho công cuộc đấu tranh, nhưng ở mức độ nào khi mà ông chưa rốt ráo vạch trần những gì được xem là cốt lõi để dân chủ hóa đất nước.
Vấn đề ở đây là ông còn tin vào chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà ông cho rằng “đấu tranh giải phóng dân tộc.” Cũng có thể ông đã nghĩ như vậy nên gia nhập Đảng vào năm 1969, năm Hồ Chí Minh (HCM) qua đời; như vậy thì ông chưa có cơ hội gần gũi với tập đoàn của Hồ để có kinh nghiệm hơn về cộng sản. Những nhân vật sát cánh hợp tác với Đảng thời HCM như Hoàng Minh Chính, Hoàng Văn Chí, Nguyễn Hữu Đang v.v.. khi biết ra sự thật thì bị trù dập nặng nề , đó là chủ nghĩa cộng sản không thể xây dựng đất nước đi lên. Họ đã thấy ra chiêu bài “giải phóng dân tộc.” Đó chỉ là phương tiện dùng để đạt mục đích, là bước đầu để thiết lập chế độ độc tài toàn trị.
Cũng vì nhiều người bị lầm lẫn nên nghe theo lời kẻ gian, đến mấy chục năm sau mới vỡ lẽ ra thì quá muộn. Gần cả cuộc đời hy sinh cho một chủ nghĩa mà họ cứ tưởng là dựa vào đó để “giải phóng”. Thưa ông Lê Hiếu Đằng, Đảng “đấu tranh giải phóng dân tộc” như thế nào, xin ông nếu có cơ hội trình bày rõ ràng hơn về ý niệm trên. Lịch sử cho thấy Đảng đã gài vào đầu vào cổ người dân một cái tròng cộng sản để Đảng phục vụ quyền lợi quốc tế mà thôi.
Độc tài độc đảng lại đi “giải phóng” tự do dân chủ? Một miền Nam trù phú có một chế độ dân cử khá ổn định dù trong lúc chiến tranh đương đầu với làn sóng xâm lăng của cộng sản từ miền Bắc. Nếu không có những thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản như nhóm “Mặt Trận Giải Phóng” mà ông Đằng là một thành viên thì dân chúng miền Nam không bị khổ sở điêu đứng vì những trận pháo kích, gài mìn, giật sập cầu, giết người bỏ rọ trôi sông…
Còn nếu ông cho rằng “đấu tranh giải phóng dân tộc” theo nghĩa mà Đảng đang đưa lên làm hàng đầu trong tuyên truyền, đó là “đánh Pháp giành độc lập” thì ông cũng là một nạn nhân của chủ trương nhồi sọ không hơn không kém. Bởi HCM chưa bao giờ chống Pháp, ngay cả Pháp Cộng Hòa sau khi nắm lấy quốc hội từ tay cộng sản, Hồ cũng van xin cầu cạnh phe chống cộng về Hà Nội hợp tác. Hành động cõng rắn cắn gà nhà được phơi bày qua Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946 , trong đó có phần “thống nhất 3 kỳ” tức là nhuộm đỏ cả nước Việt Nam. Việc làm này của HCM không thể gọi là “giải phóng dân tộc” mà là làm theo lệnh đàn anh, lúc đó Đảng Cộng Sản Pháp chủ tịch là Maurice Thorez nằm trong đệ tam quốc tế cộng sản.
Ngay cả HCM còn nhanh chóng chấp nhận cho nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” là thành viên của nước Pháp mẹ (không phải khối Pháp tại Đông Dương) vào 16/2/1946, bằng lòng yêu cầu của Pháp đề ra là Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp, không được độc lập mà phải chịu sự chỉ huy chi phối của Pháp mẹ đang do Đảng Xã Hội và Đảng Cộng Sản nắm quyền.
Xin xem thêm:
https://mousekeymakehistory.wordpress.com/2013/09/14/ho-chi-minh-ban-nuoc-lan-thu-nhat/
Nhận thấy rằng có quá nhiều đảng viên cộng sản, nạn nhân của chính sách tẩy não hay biết mà cố tình, cứ cho rằng Đảng xưa kia rất tốt, nhưng nay thì “suy thoái, biến chất” nên chúng tôi cứ phải xoáy vào đề tài này nhiều lần – HCM và Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là tay sai của tập đoàn quốc tế cộng sản, chiêu bài “giành độc lập, giải phóng dân tộc” ru ngủ nhiều thành phần yêu nước dấn thân. Độc lập đã có rồi sau khi Nhật đảo chánh Pháp thì tại sao còn phải đi giành là nghĩa gì? Hơn nữa sau thế chiến 2, 1945 trở về sau các nước bị thực dân đã được trả độc lập theo chủ trương của tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt đưa ra. Cuộc chiến bắt đầu từ 12/1946 do Pháp gây ra là để dẹp làn sóng đỏ do HCM lãnh đạo tại Đông Dương mà Hoa Kỳ đã cùng chủ trương với Pháp.
Đảng Cộng Sản Việt Nam được ra đời để bán nước hại dân, mà vì lý do này lý do nọ nhiều đảng viên dù bất mãn với Đảng vẫn còn mãi bám lấy ý niệm là “Đảng có công” là một điều đáng trách vì làm chậm đi bước tiến dân chủ. Hiểu theo tâm lý thì có thể vì mang mặc cảm theo Đảng quá nhiều năm làm chuyện tội lỗi nên cũng tự lừa dối mình, chưa dám nói thật lòng. Thế thì phải khen ông Bùi Tín, một cựu Phó Tổng Ban Biên Tập Báo Nhân Dân, sau khi rời Việt Nam trên mười năm mới khám phá ra mình bị gạt, và ông đã thẳng thắn chấp nhận trước kia ông lầm lẫn nghe theo HCM.
Phải bứt xới từ cái gốc để cái ngọn không còn mọc cành lá nữa. Độc tài độc đảng đi đôi với tham nhũng. Không có một lực kìm hãm thứ hai thì việc lộng quyền hành không thể tránh khỏi. Mọi người cứ phải than van, chê trách suông nhưng không có hành động cụ thể thì Đảng vẫn còn đó. Việc rời khỏi Đảng và tuyên bố công khai của ông Lê Hiếu Đằng là một bước đáng ghi nhận.
Một trong nhiều người đảng viên từng “có công” với Đảng, ông Xuân Vũ viết như thế này: Đảng Cộng Sản sinh ra để làm hai việc: Nói láo và làm bậy.
Ông Richard Nixon, tổng thống Hoa Kỳ (1969-1974) đã viết rằng: There is nothing in Ho’s biography to indicate that he placed nationalism above communism (No More Vietnams, page 32) – Trong tiểu sử của Hồ không có chỗ nào tỏ ra cho thấy ông ta đặt chủ nghĩa quốc gia lên trên chủ nghĩa cộng sản. Though he used the rhetoric of nationalism, Ho was first and foremost a Communist totalitarian. He used nationalism to serve communism rather than the other way around. (No More Vietnams, page 35) – Dù ông ta (HCM) dùng lối thuyết phục để nói về quốc gia dân tộc, Hồ là người đầu tiên hơn ai hết một Người Cộng Sản độc tài toàn trị. Ông ta dùng chủ nghĩa quốc gia dân tộc để phục vụ chủ nghĩa cộng sản thay vì ngược lại.
Người lãnh đạo tại cái nôi cộng sản là ông Boris Yelsin còn nói rằng “Đảng Cộng Sản không thể sửa đổi mà cần phải thay thế.” Đảng bây giờ là hậu thân của Đảng trước kia do HCM làm ra, là kết quả của những gì trong quá khứ. Không thể tự nó“suy thoái biến chất” mà là một quá trình xảy đến tự nhiên như một định luật. Theo ông Yelsin, cái đảng đó nó tồi tệ đến mức hết thuốc chữa thì chỉ phải thay thế thôi. Rất đơn giản, không mất thời giờ góp ý qua 72 chữ ký của những nhân vật về “sửa đổi hiến pháp.”
Hiểu theo nghĩa của ông Đằng thì nếu Đảng không tham nhũng, làm việc theo quyền lợi của quốc gia dân tộc thì giống như ngày xưa. Nhưng mà từ ngày thành lập có bao giờ Đảng làm lợi cho dân đâu? Làm lợi cho Đảng và phe cánh ăn theo thì quá hiển nhiên, không cần chứng minh. Thời HCM có thái độ rất lưu manh nhưng được che giấu kỹ để lừa dân, lừa ngay cả những đồng chí của nhau. Hành động bán nước vào 3/1946 của Hồ đã làm nhiều đảng viên cộng sản và các chính đảng chống đối gay gắt như trình bày trên
“Không có gì quý hơn độc lập tự do”
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu, mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên
Tất bật
Điên đầu
Lúc rụi vào Tàu
Lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
Nó tận thu từng quả trứng, quả chanh
Học thói hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vội hết thanh niên
Đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật, Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, tăng, tên lửa, tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?
Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi Cải Cách đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!
Đường nó đi trùng điệp bất nhân
……
Nguyễn Chí Thiện, 1968
Một người có học, không mưu cầu chính trị, hiền lành mà còn gọi HCM là “thằng” thì đủ biết mức độ tệ hại của nhân vật lãnh đạo cộng sản này. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã từng so sánh tội diệt chủng của Milosevic (Yugoslavia) và tội diệt chủng của HCM. Chỉ riêng việc giết người trong Cải Cách Ruộng Đất của HCM con số đã cao hơn của Milosevic, thế mà ông tổng thống của Yugoslavia này bị đem ra tòa án quốc tế xử, còn HCM thì sao. HCM chết nhưng không có nghĩa là mọi tội lỗi đều tan biến.
Một số câu thơ trên cũng đã lột tả phần nào cái ác của Đảng. Cái dã man này cũng là bắt chước đàn anh. Vậy thì “hồn dân tộc” của HCM ở chỗ nào mà gọi là Đảng trước kia tốt lắm. Giết đồng bào mình để phục vụ quyền lợi quốc tế lại bảo là “giải phóng dân tộc” sao?
Những lời lừa mị của HCM đã làm nhiều người trở thành nạn nhân, một miền Bắc bị bít kín thông tin chỉ biết nghe theo một chiều tuyên truyền. Ngày nay của thế kỷ 21 thông tin toàn cầu, không thể cho rằng vì “thiếu thông tin” nhất là giới trí thức như ông Lê Hiếu Đằng. Hãy rốt ráo đập thẳng vào tội lỗi của Đảng kể từ ngày thành lập 1945 thì mơ ước đa nguyên đa đảng của ông mới mau đạt thành trên đất nước Việt Nam.
Có quan niệm cho rằng ông Đằng đang ở trong nước nên không dám bộc lộ hết những gì ông đang muốn bày tỏ bởi vì lo sợ tánh mạng bị nguy hiểm, vậy cũng được rồi, phải đi từ bước. Đó cũng nói lên một xã hội bao trùm lo sợ, một nơi vô cùng thiếu dân chủ, thiếu quyền tự làm chủ mình. Những ý kiến và nhận xét trong các bài viết trên mạng là cơ hội làm sáng thêm, rộng thêm đường dư luận để nhiều người biết ra sự thật.
Bút Sử
Dec 7, 2013

No comments:

Post a Comment