Wednesday

Bút Danh C.B.

Lê Văn Tám là nhân vật không thật do Trần Huy Liệu (bộ trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền) nặn ra đã được công khai, cũng như Tạ Thị Kiều là một người không có ngoài đời mà nhà văn Xuân Vũ cứ tưởng là thât khi còn ở miền Bắc hoạt động cho Hồ Chí Minh(HCM). Những tên tuổi không thật cùng những câu chuyện bịa đặt xảy ra rất nhiều trong hệ thống tuyên truyền của cộng sản. Chủ trương của HCM trong cách huấn luyện cán bộ là phải viết láo nói láo. Vậy thì những bài viết của HCM được đánh giá trị ở mức độ nào về sự trung thực?

Trong Đèn Cù của Trần Đĩnh:
Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi, CB(Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê”…(trang 83)
Có những thông tin và nhận xét cho rằng ông Hồ phải theo lệnh của Mao Trạch Đông trong việc nổ ra phát súng đầu tiên xử bắn bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm chứ không hoàn toàn theo ý của ông ta, nhưng càng ngày thì quá rõ qua những tài liệu được dẫn chứng là chính HCM đã chủ trương giết bà Năm, không tuyên bố công khai mà phải qua những màn kịch bản.
Trích đoạn trong“Địa chủ ác ghê”:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
-Giết chết 14 nông dân.
-Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
-Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người-năm 1944-chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
-Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân…

Một bài viết khác của HCM gửi Báo Cứu Quốc.
GỬI BÁO CỨU QUỐC
Đề nghị:
-Mỗi ngày nên đăng một cái bảng vàng, kể một việc oanh liệt trong cuộc kháng chiến.
Nói vắn tắt, nhưng rõ và ít theo lối tiểu thuyết, chừng 15, 20 dòng. Mục đích cốt để nâng cao chí kháng chiến của dân, tuy dùng cách sùng bái anh hùng. Chớ nói tếu quá.
Tên ngừơi và địa điểm không nói rõ v.v…
Thí dụ:
BẢNG VÀNG
Những người dũng cảm phi thường
Anh hùng kháng chiến bảng vàng thơm danh.
Anh L.V. tiểu đội trưởng VQĐ số X, được mệnh lệnh cùng đồng chí K., đi dọ thám mặt trận địch. Tuy giờ tối đêm, hai anh phải cẩn thận bò gần 1 cây số đến gần, địch bắn ra. Anh L.V. bị thương ở gần cánh tay. Anh vẫn cố gắng bò gần nữa, liệng một quả lựu đạn chùy, năm tên địch ngã ra. Anh L.V. mới bò về.
Vết thương khá nặng, nhưng anh L.V. nhất định không chịu đi nhà thương. Anh nói rằng: Tay trái bị thương, nhưng tay phải của tôi vẫn bắn được.
Như anh L.V. thật là một chiến sĩ xứng đáng.
(Hồ Chí Minh tuyển tập văn học- Văn Hóa Nghệ Thuật cũng là Một Mặt Trận, tác giả Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Văn Học, 1999)
Như vậy rất rõ chính HCM là ông thầy dạy viết láo. Câu chuyện bịa trên của Hồ đọc qua khá vô lý vì L.V. bò (không đi thẳng bằng đôi chân) tới gần 1 cây số, rồi sau đó bị thương ở gần cánh tay nhưng tiếp tục bò…để liệng lựu đạn làm 5 lính Pháp chết. Chẳng lẽ lính Pháp bắn anh bộ đội bò bị thương rồi nhìn anh ta bò tiếp để tấn công mình? Hồ còn dặn “chớ nói tếu quá” mà qua câu chuyện này có lẽ người đọc không khỏi cười thầm.
Tựa bài “Địa chủ ác ghê” gợi ra một lối viết bình dân để thu hút giới nông dân căm thù địa chủ. Con số 32 gia đình và con số chẵn 200 người chết này mà không ghi ra ở vùng nào, tỉnh nào đi đúng theo lời dạy của HCM trong bài “GỬI BÁO CỨU QUỐC” ghi trên -“Nói vắn tắt, nhưng rõ và ít theo lối tiểu thuyết, chừng 15, 20 dòng. Mục đích cốt để nâng cao chí kháng chiến của dân. Tên người và địa điểm không nói rõ.”
Tác giả C.B., 1953, được bạch hóa cũng như Trần Dân Tiên, 1948, của “Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch.” Trần Huy Liệu bịa ra chuyện cậu bé Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi đốt và xông vào để đốt kho xăng cách đó mấy chục mét. Báo chí nước ngoài bình luận rằng chuyện đó không thể xảy ra, vì người trẻ đó sẽ gục ngay tại chỗ hoặc nhiều lắm là lảo đảo được vài bước. Vụ kho xăng của Pháp cháy là có thật xảy ra vào 1/1/1946, nhưng do một nhóm khác làm ra. Sau này ông Liệu đã khai rằng đó là câu chuyện tưởng tượng để nung nấu tinh thần “kháng chiến”. Sự thật này được ông Phan Huy Lê ghi ra trong một bài viết trên tạp chí Xưa và Nay vào 10/2009.
HCM còn dùng một số bút danh phụ nữ để viết bài kêu gọi. Kim Oanh làm bài thơ “Phụ Nữ” đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, số 104, ngày 1/9/1941. Hồng Liên với bài “Nhân Dịp Đại Hội Phụ Nữ Quốc Tế” đăng trên báo Cứu Quốc, số 2362, ngày 19/6/1953. Bút danh Tuyết Lan, 1960.
(Những Tên Gọi, Bí Danh, Bút Danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo Tàng HCM, nxb Chính Trị Quốc Gia, 2003).
Có tất cả 174 tên họ, bí danh, và bút danh của HCM trong tài liệu này. Chưa hết. Sách còn kèm theo phần ghi chú là còn hơn 30 tên nữa đang nghiên cứu. Bút danh Trần Dân Tiên lại không được đưa vào sách này, mặc dù trước đó đã có tin báo Đảng công khai, cũng như tác giả Hà Minh Đức trong “Những Tác Phẩm Văn của Hồ Chú Tịch“, 1985, đã ghi Trần Dân Tiên là bút danh của HCM.
Đảng không ngần ngại suy tôn những tội ác của HCM, đúng hơn là tội diệt chủng của ông ta mà một số sử gia thế giới đã nhận xét. Trong tháng này, vào 8/9/2014, tại Hà Nội có trưng bày triển lãm “Cải Cách Ruộng Đất”, nhưng chỉ 4 ngày sau thì đăng bảng đóng cửa vì “sự cố điện”. Được biết trong mấy ngày đó dân oan Dương Nội đến trước cỗng dàn chào với nhiều biểu ngữ đòi nhà đòi đất đã bị Đảng cướp lấy.
Những trận giết nông dân long trời lở đất đã xảy ra gần 60 năm qua, nhưng dư âm còn tồn đọng. Ngày xưa, cán bộ, đảng viên, cốt cán là những thành phần có công với đảng, nhưng khi có Cải Cách Ruộng Đất thì họ trở thành “phản động” và bị giết, bị thanh trừng, bị tù. Có khác gì ngày nay, nhiều dân oan cũng đã từng là những bà “má hai, má ba, mẹ chiến sĩ…”
Khi kêu gọi tinh thần dấn thân yêu nước, HCM không hề đề cập đến giai cấp. Bà Nguyễn Thị Năm có tiệm buôn đã đóng góp rất nhiều tiền của cho Đảng, ngay cả có người con trai là sĩ quan trong quân đội. Khi nhận chỉ tiêu từ Mao là phải giết 5% (cho rằng 5% là địa chủ miền Bắc) thì HCM chỉ nhắm vào mục đích 5% trên tổng số khoảng 16 triệu dân để giết, tức phải hơn nửa triệu, con số này cũng được học giả Hoàng Văn Chí ghi ra.
…each land reform team had to register 5 percent of every rural community as landlords, and to reach their goal they did not always consider the issue of patriotism. – mỗi toán cải cách ruộng đất phải ghi danh 5% là địa chủ cho mỗi vùng nông thôn, và để đạt mục tiêu họ không bao giờ quan tâm đến vấn đề lòng yêu nước.
(Ho Chi Minh A Biography, Pierre Brocheux, 2007, page 155)
Bà Năm là người bị đem ra “làm gương” để có những vụ giống như vậy kế tiếp. Giáo sư dạy sử học Brocheux còn kể một phụ nữ ở Sơn Dương, Phú Thọ, đã ủng hộ Việt Minh rất nhiều trong giai đoạn chiến tranh với Pháp cũng bị liệt vào hàng địa chủ nên bà đã tự sát sau khi bị thu tóm toàn bộ tài sản.
Một cán bộ Việt Minh có cha trong quân đội. Nhà của gia đình anh là nơi thường xuyên các cấp tới để họp hành (Party leaders). Khi được cử qua Trung Cộng vào 1949, anh chứng kiến cảnh dã man trong cuộc cải cách ruộng đất và viết thư về khuyên cha nên bán đi một số đất đai…Anh không có ở nhà khi hiện tượng xảy ra – tất cả tài sản bị Đảng thu tóm chỉ chừa một con trâu với lý do nhân đạo là có 2 người con đi bộ đội. Gia đình dùng phân trâu bán để kiếm sống, nhưng số tiền bán được cũng bị Đảng tịch thu luôn vì “phân thuộc về tài sản của nhân dân” (the fertilizer belonged to the people).
Một đại kịch sĩ HCM. Những hành động của ông ta làm với chiêu bài yêu nước không gì hơn là thực hiện trách vụ quốc tế cộng sản giao cho. Những màn kịch khóc, phong trào tự do cho ý kiến sau vụ Cải Cách Ruộng Đất chẳng qua là giai đoạn cuối của tổng thể chương trình.
Những gì xảy ra ở Trung Cộng để nhận ra rằng HCM cũng nhái theo chiêu bài của đàn anh. Nở ra phong trào viết và làm thơ đả kích Đảng, mục đích là đánh gục luôn những trí thức nào thực tâm lên án chiến thuật tàn ác giết nông dân vô tội, bằng cách Đảng nhử dụ họ vào tròng của trăm hoa đua nở. Điển hình là Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khác.
The Hundreds Flowers movement gave rise to a number of illusions, even though it never really meant to open up an era of free expression and critical debate. Rather, CCP leaders wanted to put an end to an excesses of the campaigns against Chinese intellectuals and scientists, and to encourage them eventually to reveal their thoughts and opinions-(Ho Chi Minh A Biography, Pierre Brocheux, 2007, page 161)
Phong trào Trăm Hoa Đua Nở đã khơi lên một số ảo tưởng, ngay cả nó không thể có nghĩa mở ra một thời đại của tự do tư tưởng và phê bình đối chất. Đúng hơn, những lãnh đạo của Trung Cộng Đảng muốn chấm dứt sự kéo dài của chiến dịch chống lại những trí thức và khoa học gia, và khuyến khích họ ngay cả bộc lộ hết suy nghĩ và ý kiến của họ.
Ném đá giấu tay là thủ thuật của HCM. Trong Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh kể lại cảnh HCM và Trường Chinh tới buổi đấu tố tại Đồng Bẩm. Hồ hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra, còn Chinh thì đeo kính đen.
Bút danh C.B. từ 1951-1957 đã viết gần 700 bài báo đăng trên Nhân Dân ( Những Tên Gọi, Bút Danh, Bí Danh…) Như vậy bài “Địa chủ ác ghê” viết ngày 21/7/1953 phải nằm trên tờ này. Kết luận: Đây là một bằng chứng rõ nét về lệnh giết bà Nguyễn Thị Năm do HCM đưa ra. Một mặt khác thì Hồ tỏ như có nhân bản bằng cách dùng câu nói của những người mà Hồ cho là “bọn ác ôn” rằng “người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa.”
Bút Sử
9/2014
Sources: Những Tên Gọi, Bí Danh, Bút Danh của CT HCM, nxb Chính Trị Quốc Gia, 2003; Ho Chi Minh A Biography, Pierre Brocheux, 2007; Hồ Chí Minh tuyển tập văn học- Văn Hóa Nghệ Thuật cũng là Một Mặt Trận, HCM, nxb Văn Học, 1999; Đèn Cù, Trần Đĩnh, 2014.

No comments:

Post a Comment